Trang chủ Tin tức Trận đánh Đồn Eo Gió

Trận đánh Đồn Eo Gió

0
1150

   Năm 2005, tôi đi TP Hồ Chí Minh rồi về Đình Cương-Eo Gió (Quảng Ngãi) thăm lại chiến trường xưa, nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt trước khi chúng tôi vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi, ngày 24-3-1975. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi không bao giờ quên đêm 2, rạng sáng 3-8-1974, khi đơn vị tôi hành quân triển khai đội hình tấn công đồng loạt vào quân địch đồn trú trên dãy núi Đầu Tượng, Phú Lâm Tây, Eo Gió và Đình Cương, chiếm lợi thế uy hiếp thị xã Quảng Ngãi và khống chế Đường 1, chặn đường rút quân của địch từ Đà Nẵng chạy vào và từ Phan Thiết, Sài Gòn ra cứu nguy…

   Đình Cương-Eo Gió nằm đổ bóng bên bờ sông Vệ hiền hòa, bây giờ là Di tích lịch sử Quốc gia, đã khác xưa nhiều. Cây cỏ tốt tươi, rừng cây xanh biếc như muôn thuở đất trời vốn êm đềm, thơ mộng. Dưới chân dãy Đình Cương-Eo Gió, dọc Tỉnh lộ 624 kéo dài từ thị xã Quảng Ngãi đến Minh Long lên Nam Trường Sơn, những ngôi nhà cao 2-3 tầng xen lẫn nhà xây một tầng mái tôn, được thiết kế rộng rãi, xinh xắn theo kiểu phổ biến ở nông thôn Trung Bộ. Cuộc sống hồi sinh sau chiến tranh ngời rạng trên gương mặt em thơ, người già. Những ánh mắt tươi tắn, hồn nhiên của người dân Nghĩa Hành, Quảng Ngãi như nghìn đời vốn thế, luôn nhìn lên tự tin và kiêu hãnh. Ký ức trận đánh ngày ấy ùa về trong tôi.

   10 giờ đêm 2-8-1974, Tiểu đoàn 6 của tôi do anh Bùi Xuân Tạo, Chính trị viên và anh Triều, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, bí mật rời cánh rừng giáp ranh quận Ba Tơ-Nghĩa Hành về núi Đình Cương. Tiểu đoàn với hơn 400 quân chủ lực, đội hình hàng một im lặng, lầm lũi đi trong đêm tối. Chúng tôi hành quân thận trọng, không một tiếng động phát ra. Đêm mùa hè bức bối, bầu trời Quảng Ngãi chùng xuống ngột ngạt. Đoàn quân như bóng đêm rùng mình di chuyển, chỉ có tiếng lạo xạo bước chân và tiếng lao xao mơ hồ phát ra từ vòng lá ngụy trang của người đi trước.

   Đại đội tôi nhận nhiệm vụ tấn công đồn Eo Gió, nơi tiếp giáp với Đình Cương, án ngữ ngay sát trục đường 624. Đồn Eo Gió có hệ thống hầm hào đan xen, tương đối kiên cố, gồm một lực lượng lính chủ lực của quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn kết hợp với lực lượng địa phương quân nhằm cản bước tiến của quân chủ lực ta đe dọa sườn phía tây nam thị xã Quảng Ngãi.

   Khoảng 3 giờ ngày 3-8, đại đội tôi tiếp cận mục tiêu, bố trí đội hình, đào hố chiến đấu bao vây đồn. Đúng 5 giờ 30 phút ngày 3-8, hiệu lệnh từ sở chỉ huy tiểu đoàn đồng loạt nổ súng. Pháo binh của ta đặt ở nhiều vị trí trên núi Đầu Tượng, kết hợp hỏa lực nhỏ, giội tới tấp vào các vị trí đồn trú của địch ở Đình Cương-Eo Gió. Sau loạt phủ đầu sấm sét, Đại đội trưởng Thư ra lệnh lợi dụng sườn phía đông bắc Eo Gió áp sát mục tiêu tấn công. Trung đội 1 của tôi được giao nhiệm vụ mở đường máu phá hủy hàng rào diệt lô cốt đầu cầu. Phát hiện lực lượng ta, địch ở trong đồn phản công dữ dội. Hỏa lực các loại của địch ở mọi ngóc ngách trong đồn nhằm thẳng hướng tiến của chúng tôi xả đạn mịt mù trời đất. Xuyên, quê Thanh Hóa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 ôm bộc phá dài 1,6m vừa áp sát chân hàng rào thì ăn trọn loạt đại liên vào đầu, vào ngực, gục xuống ngay lập tức. Cậu Bàng, người Hải Phòng, bám sát Xuyên phía sau lì lợm đẩy xác Xuyên sang bên cho đồng đội kéo xuống, rồi trườn lên. Bàng chưa kịp đưa bộc phá vào lớp hàng rào thứ nhất cũng bị cả một loạt đạn găm từ đầu xuống bụng.

Minh họa: Lê Hải

   Trận đánh giằng co ác liệt, khu vực lô cốt đầu cầu trở nên vô cùng quyết liệt. Dũng, Trung đội trưởng vừa nhô lên khỏi chiến hào thì bị nguyên băng AR15 bắn nát tay phải, buông súng nhào xuống đất. Lành-lính mới bò lên cố đẩy bộc phá vào hàng rào cũng hứng trọn quả M79. Càng về trưa nắng càng gay gắt, không khí nồng nặc mùi máu tanh trộn lẫn mùi thuốc súng khét lẹt. Cuộc chiến mỗi lúc một tàn khốc. Địch chống trả quyết liệt, đơn vị thương vong nhiều. Quân ta thay nhau trườn lên bám sát hàng rào nhưng đều bị đánh bật trở ra. Hỏa lực địch rất mạnh, đạn cối các loại nổ dày đặc quanh khu vực cửa mở.

   Thời gian căng cứng. Nếu không phá hủy hàng rào, không mở được cửa thì không cách gì chiếm đồn. Xung quanh đồn, lớp lớp hàng rào liều lĩnh xông lên khác nào nướng vào lò thiêu, đẩy anh em vào chỗ chết. Tôi quay về phía anh Thư. Gương mặt gân guốc, dạn dày bom đạn của người đại đội trưởng từng xông pha trận mạc xám lại, uất ức đến ứa máu. “Em lên đây”, tôi nói với anh Thư rồi ôm súng leo lên giao thông hào. “Xuống ngay!”, vừa quát, anh Thư vừa nhảy qua nắm chân tôi giật mạnh. Cú giật và quả đấm cùng lúc của anh táng chính giữa ngực làm tôi ngã dúi: “Mày muốn chết hả?”. Quát tôi xong, không biết do căm giận hay bất lực trước sự phản công lì lợm của địch mà anh đứng bật dậy, điên tiết hướng thẳng mũi súng về chính giữa lô cốt đầu cầu của địch, vừa xả đạn như phát cuồng, vừa nghiến răng ken két, giọng khàn đặc: “Chúng mày chết đi, chết hết đi…”. Nhưng chỉ chưa đầy hai phút, anh bỗng khuỵu xuống, máu ở mặt, bả vai tứa ra lênh láng. Tôi hét lên: “Anh Thư bị thương rồi”. Nghe tiếng kêu, cậu y tá ở phía sau vội lách qua giao thông hào chạy lên băng bó vết thương cho anh. Khi đó, anh rất tỉnh, đưa mắt nhìn tôi, giọng yếu dần: “Em chỉ huy đại đội thay anh. Cho anh em rút về sau, củng cố lại đội hình, báo cáo tiểu đoàn nhờ chi viện pháo binh hãy đánh tiếp. Bây giờ không lên được đâu…”. Tôi ôm lấy anh, vừa gật gật đầu vừa trả lời. Anh Thư là người cùng quê với tôi. Suốt thời gian ở trong rừng chuẩn bị cho chiến dịch này, anh luôn theo sát bên tôi. Anh coi tôi như em trai, chăm sóc và bảo vệ từng chút. Bây giờ anh nằm đây! Cổ họng tôi khô đặc, đau đớn và bế tắc… Suốt gần 3 tiếng đồng hồ nghẹt thở quần nhau với địch, cuối cùng chúng tôi phải lầm lũi rút khỏi trận địa, chờ tiểu đoàn chi viện.

   Trưa hôm ấy, trời Nghĩa Hành cháy rát, nắng như chảo lửa chụp xuống om nẫu núi Đình Cương-Eo Gió. Hơn 12 giờ trưa, anh Thư tắt thở. Chúng tôi chia nhau chuyển anh em thương binh xuống khe suối cạn gần đấy chờ đến đêm vận tải đưa về phía sau. Xong, quay lại bó xác anh Thư cùng các đồng đội vào những tấm tăng chuẩn bị sẵn cuộn lại, khiêng xuống mé đồi. Trước mắt tôi, những nấm mồ đào vội trên đất đá khô cằn, đắp sơ sài bằng đá ong lởm khởm nhòe đi. Không ai nói gì. Tiếng súng từ hai phía câm bặt từ lúc nào. Bầu trời phăng phắc gió. Sự im lặng đến rợn người. Cái im lặng giữa hai trận đánh căng thẳng tột độ, bao trùm một không khí ghê rợn, chết chóc. Nó vây bủa, bóp nghẹt thân xác tôi. Tôi đứng bất động, ngột ngạt, căng cứng. Rồi ai đó huých nhẹ vào vai tôi: “Về thôi! Chính trị viên đang gọi”.

   3 giờ chiều, pháo binh của ta ở các điểm cao tiếp tục giội lửa xuống đồn Eo Gió. Tiếng pháo vừa dứt, chúng tôi lợi dụng lúc quân địch hoảng loạn tràn lên mở cửa hàng rào, chiếm lô cốt đầu cầu. Địch từ các ngách giao thông hào túa ra nhưng không kịp trở tay. Chỉ sau hơn 30 phút giằng co quyết liệt, chúng tôi đã làm chủ trận địa. Địch chết nhiều, số còn lại tan rã, tháo chạy theo đường mòn xuống chân núi về phía Nghĩa Hành.

   Đồn Eo Gió bị tiêu diệt, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Nhưng bao đồng đội của tôi đã ngã xuống, yên nghỉ bên bờ sông Vệ. Thân xác các anh hóa đất đai, cây cỏ cho nghìn đời tươi tốt biếc xanh…

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI,
Nguyên Đại đội phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn  320
Nguồn: https://sknc.qdnd.vn/

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây