BÁC HỒ Ở HOA NAM

0
1112

   Cuốn sách Bác Hồ ở Hoa Nam ra mắt độc giả nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 – 19/5/2005) được xem là một công trình khảo cứu tương đối đầy đủ về khoảng thời gian Bác hoạt động cách mạng với các đồng chí đảng viên cộng sản Trung Quốc trước khi về nước lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh dành độc lập năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

   Sau lời nói đầu, nội dung cuốn sách là những câu chuyện, những bài viết, tư liệu, những nhân chứng lịch sử là người Trung Quốc và Việt Nam như Tống Minh Phương, Trịnh Đông Hải, Hoàng Quang Bình, Vũ Anh, Hoàng Điền, Lăng Tuấn, Hoàng Quang Châu, Võ Nguyên Giáp, Đặng Văn Giáp… kể về thời gian Bác hoạt động tại Trung Quốc. Đó là, câu chuyện Bác trở lại Trung Quốc; kể chuyện Bác Hồ ở Côn Minh và Quảng Tây; Bác Hồ ở Vân Nam; những ngày gặp Bác; hơn một năm cụ Hồ Chí Minh gặp nạn; nghe tin Bác mất; con đường dẫn tôi đến với Bác…

   Câu chuyện bắt đầu từ khi Người thoát khỏi nhà tù Victoria ở Hồng Kông năm 1933, rồi trở lại Matxcơva công tác và học tập cho đến mùa đông năm 1938 rồi về nước. Bác đã qua cửa khẩu thị trấn U-rum-si, Tây Bắc Trung Quốc, nhận quân phục, quân hàm thiếu tá, với tên mật là Hồ Quang, rồi đi Tây An, Diên An, xuống Hoa Nam. Đầu năm 1939, sau khi cùng Diệp Kiếm Anh đến Quế Lâm, Quảng Tây, Thiếu tá Hồ Quang (Nguyễn Ái Quốc) nhận công tác văn phòng Bát Lộ quân và giữ nhiều chức trách như ủy viên y tế, ủy viên binh báo, biên tập viên báo, phụ trách nghe đài lấy tin.

   Tháng 10/1939, Hồ Quang rời Quế Lâm, Nam Ninh đi Long Châu để bắt liên lạc với Đảng ta, sau đó lại quay về Quế Lâm rồi đi Quý Dương (thủ phủ tỉnh Quý Châu) Trùng Khánh, rồi Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam). Thông qua Đảng cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc với chi bộ Vân Quý và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng tại Côn Minh do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Trong buổi làm việc đầu tiên với Ban Chỉ huy, sau khi nghe báo cáo về phong trào cách mạng trong nước, Người đã xúc tiến tìm hiểu tình hình, nghiên cứu các phương án trở về nước… Đến cuối tháng 10/1940, Người đã chỉ thị cho các đồng chí Vũ Anh, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp rời Côn Minh về Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) và sau đó tiếp tục rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tìm con đường trở về Tổ quốc. Thực hiện kế hoạch đã định, nhờ sự hướng dẫn của đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường đã di chuyển xuống Nậm Quang ở sát biên giới Việt – Trung. Nơi đầu tiên Người trở về Tổ quốc là vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt – Trung để về thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài đi tìm con đường cứu nước.

   Ngày 13/8/1942 với tên mới là Hồ Chí Minh, Người tiếp tục lên đường đi Trung Quốc. Cùng với Lê Quảng Ba, sau này là Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam – Người đi bộ đến Ba Mông, huyện Tĩnh Tây, nghỉ tại nhà ông Từ Vĩ Tam, một nông dân nghèo Trung Quốc và kết nghĩa anh em với ông Từ. Sau đó, Người tiếp tục hành trình đến Túc Vinh thì bị bắt giải về huyện Thiên Bảo, bắt đầu những ngày tháng gian khổ trong nhà tù Quốc dân đảng trên đất Quảng Tây.

   Được sự minh oan của nhiều nhà hoạt động cách mạng Trung Quốc và các đoàn thể nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước đã tìm cách vận động trả lại tự do cho Hồ Chí Minh. Đến tháng 9/1942, Hồ Chí Minh được tự do, nhưng vẫn bị quản chế tại Liễu Châu – Nam Ninh. Đầu tháng 8/1944, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam qua đường Hạ Đông, Long Châu (Quảng Tây).

   Cuốn sách như một thước phim được dựng lại cuộc hành trình lịch sử của Bác trên đất Hoa Nam để độc giả theo dõi.

Văn Nhân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây