TRUNG TƯỚNG PHẠM KIỆT – TỪ NÚI RỪNG BA TƠ

0
2554

   Phạm Kiệt, tên thật là Phạm Quang Khanh (19101975), quê ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ năm 1929. Tháng 6/1931, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù chung thân, đày đi Buôn Ma Thuộc. Năm 1943 được trả tự do, sau đó bị địch giam lỏng tại Căng an trí Ba Tơ cùng với Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương và nhiều đồng chí đảng viên cộng sản khác.

   Tháng 12/1944, tại điểm Nước Năng, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và lãnh đạo Ủy ban Vận động Cứu quốc tỉnh; đồng chí Phạm Kiệt chịu trách nhiệm về quân sự và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các tổ chức quần chúng cứu quốc, vận động đồng bào dân tộc ở những nơi hiểm yếu để xây dựng căn cứ cách mạng.

   Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, tạo ra sự khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Mặc dù chưa nhận được chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, song với tinh thần chủ động, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương 8, đêm 10/3/1945, Tỉnh ủy lâm thời họp và quyết định: Chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Ba Tơ và một số địa phương nhằm tạo ra những điều kiện tiến tới giành chính quyền trong toàn tỉnh.

   Đêm 11/3/1945, đội quân khởi nghĩa do Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy được sự hưởng ứng của đông đảo đồng bào Kinh, Thượng chiếm Nha Kiểm lý và đồn Ba Tơ. Sáng ngày 12/3/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Ba Tơ, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng (Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ). Đội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, là một trong những đội vũ trang tập trung thoát ly đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ. Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ ban hành các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ thuế, xâu, các khoản nợ vay nặng lãi. Đội quân khởi nghĩa cùng với đồng bào làm “Lễ ăn thề”, đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật và bè lũ tay sai.

   Nội dung tóm tắt trên như muốn nhắc lại cho chúng ta về một sự kiện lịch sử hào hùng của nhân dân vùng đất xứ Quảng. Thấy được bối cảnh, diễn biến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ với những gian nan, nhưng lòng đầy tự hào mà những chiến sĩ cách mạng trong đội quân du kích Ba Tơ đã cống hiến cho cách mạng.

   Cuốn sách Trung tướng Phạm Kiệt – từ núi rừng Ba Tơ như một thước phim hồi ký có giá trị lịch sử rất quan trọng do tác giả Lương Sĩ Cầm thực hiện. Kể về một giai đoạn lịch sử có nhiều khó khăn, thử thách ở núi rừng Ba Tơ qua hồi ký của Trung tướng Phạm Kiệt, người đã ghi dấu nhiều chiến công trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

   Cuốn sách là một di sản quý để thế hệ trẻ trên quê hương núi Ấn – sông Trà hôm nay càng thêm tự hào về lòng yêu nước, về truyền thống cách mạng của nhân dân ta để từ đó càng thêm phấn đấu, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước./.

Văn Nhân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây