Ở nước ta, internet xuất hiện cách đây khoảng 20 năm (năm 2000). Ban đầu, internet chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối và tìm kiếm thông tin của một bộ phận người dân trong xã hội. Hiện nay, các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng internet xuất hiện cùng sự xuất hiện của các thiết bị hiện đại như: điện thoại thông minh, ipad, ipod… với nhiều tính năng được tích hợp đã trở nên phổ biến trong cộng đồng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội nói chung và văn hóa gia đình nói riêng dưới nhiều góc độ. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh covid 19 như hiện nay càng khiến chúng ta coi công nghệ trong đó có internet như một trong những phương tiện hữu hiệu để xử lý các mối quan hệ: Gia đình, công việc, học tập, xã hội… làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên thuận tiện hơn.
Sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam những năm vừa qua đã tạo nên những thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội nói chung, lối sống của gia đình nói riêng. Sự thay đổi ấy không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bên ngoài của gia đình, mà còn làm thay đổi bản chất của gia đình cũng như đời sống tâm lý, thói quen của mỗi cá nhân trong gia đình theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Cuốn sách “Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với văn hóa gia đình Việt Nam” do Tiến sĩ Vũ Diệu Trung chủ biên, được Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc xuất bản năm 2020 đã bước đầu lý giải những thay đổi về văn hóa gia đình ở Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới. Từ đó đưa ra một số đề xuất, giải pháp nhằm phát huy tính tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của phương tiện truyền thông mới đối với văn hóa gia đình Việt Nam.
Hy vọng rằng, sau khi đọc xong cuốn sách chúng ta hiểu rõ về các phương tiện truyền thông ấy. Bằng việc quản lý, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội văn minh, hiệu quả, mỗi người dân sẽ góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, bảo vệ bản thân, gia đình và bảo vệ an ninh mạng quốc gia một cách an toàn và hiệu quả.
Minh Nghìn