BÁC HỒ – VỊ CHA GIÀ KÍNH YÊU CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

0
2948

   Bác Hồ – vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

   Năm nay kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác là dịp để khắc sâu những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và để tăng thêm ý chí và sức mạnh, tiếp tục xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

   Bác Hồ với bạn bè quốc tế

   Trong ba mươi năm sống, làm việc, học tập và hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau này trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã đi qua rất nhiều nước, đã gặp gỡ và kết bạn với nhiều người. Họ là những người có xuất thân, chính kiến, nghề nghiệp, tuổi tác rất khác nhau. Đó là nhà văn như Henri Bacbuyt (Pháp), nhà hoạt động điện ảnh như Saplin (Mỹ), họa sĩ như Picatxô (Tây Ban Nha – Pháp), người nấu bếp như Excôphiê (Pháp), những nhà hoạt động chính trị như Clara Xétkin (Đức), Xen Catiama (Nhật), Nêru (Ấn Độ), Manuinxki (Nga), Chu Ân Lai (Trung Quốc), những nhà hoạt động quân sự như Vôrôsilốp (Nga), Trần Canh (Trung Quốc), những luật sư như Blôngcua (Guađơlup), Lôdơbi (Anh)… Nhiều người trong số đó không phải là cộng sản, nhưng tất cả đều là những người yêu cái thiện, yêu hòa bình, tự do, dân chủ, chống lại ách nô dịch của thực dân đế quốc, phong kiến, phấn đấu cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc và giải phóng loài người. Họ đã kết thân với Bác, giúp đỡ, cưu mang Bác trong những tháng năm thiếu thốn, gian truân, bị cảnh sát của đế quốc rình rập, dọa nạt, tù đày. Giữa Bác với họ được gắn bó bằng mối tình bè bạn thủy chung, nồng hậu trong suốt cuộc đời.

   Đối với người phương Tây, Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một nhân vật đầy bí ẩn suốt nhiều năm tháng. Cuộc đời cùng sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho đất nước và tư tưởng của Người đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà báo, học giả nước ngoài nghiên cứu và viết về Bác. Trong cuốn sách viết bằng tiếng Pháp tựa đề Ho Chi Minh: La figure de lindépendance retrouvée du Vietnam – Hồ Chí Minh: Nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam. Hồ Chí Minh: Họ là những nhà báo, học giả, nhà sử học, chính trị gia, nhà kinh tế từng gặp, làm việc và biết về Hồ Chủ tịch trong suốt quá trình hoạt động của Người. Mô tả người thanh niên Nguyễn Ái Quốc giai đoạn (1919 – 1923), nhà sử học người Pháp gốc Việt Pierre Brocheux viết: “Anh đã bộc lộ các phẩm chất, tài năng của mình và được nhiều người khác công nhận. Anh không phải là người giáo điều. Sự hài hước và tính nhạy cảm của anh tạo ấn tượng sâu sắc trong ký ức những người biết về anh trong những năm 1920. Điều đó cũng thu hút những người gần gũi hay gặp anh trong cuộc sống hàng ngày”

   Trong bài viết trên Time, tạp chí hàng đầu của Mỹ đã 5 lần dành trang bìa đăng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Stanley Karnov viết: “Với thân hình gầy gò, chòm râu thưa, chiếc áo khoác đã sờn và đôi dép cao su mòn vẹt, Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là người khiêm tốn và thân thiện. Ông là nhà cách mạng kỳ cựu, người yêu nước nhiệt tình và chân thành, luôn đấu tranh vì mục đích cuối cùng của mình, đó là độc lập cho nước nhà”. Karnov nhận xét: “Trong con mắt phương Tây, họ không thể hình dung được về những hy sinh to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm”.

   Tạp chí Time cũng từng có bài dẫn lời nhà cách mạng Ấn Độ Jawaharlal Nehru mô tả Chủ tịch Hồ Chí Minh “là một người đáng mến và thân thiện vô cùng, một người chỉ đau đáu mong muốn hòa bình”. Phát biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng thống Chile Sanvado Agiende nhấn mạnh: “Người là hình ảnh sống về đạo đức cách mạng, với nét đặc biệt là sự khiêm tốn, giản dị và chân thành”. Ông nói rằng, nếu ai đó muốn tìm từ ngữ để có thể tóm tắt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là cụm từ “hết sức giản dị và vô cùng khiêm tốn”.

   Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho những người được tiếp xúc. Tại Hà Nội đầu năm 1967, Harry Ashmore – cựu chủ bút báo Arkansas Gazette, đã có dịp tiếp xúc với Người – mô tả: “Ông Hồ là người lịch thiệp, nho nhã, khoan thai”. Nhà báo này cũng nhớ lại, buổi gặp đó đã khiến ông hết sức kinh ngạc về tài giao tiếp bằng tiếng Anh của Hồ Chủ tịch. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhiều hơn về Người, nhà báo Mỹ này viết rằng “đó chỉ là một trong nhiều ngoại ngữ mà ông thành thạo, gồm cả tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nga”. Một tư lệnh Hải quân Pháp sau khi tiếp xúc với Hồ Chủ tịch trong 3 tuần đã kết luận rằng Người “là một lãnh đạo thông minh, lôi cuốn, một nhà lý tưởng say mê cống hiến cho sự nghiệp mà mình theo đuổi…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam, người có tầm ảnh hưởng lớn đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.

   Bác Hồ với cách mạng Việt Nam

    Ngày 05/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho nhân dân, cho đất nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin để tìm ra con đường cứu nước.

   Ngày 03/02/1930, thay mặt Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị tại Hồng Kông để hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình vắn tắt của Đảng cũng được thông qua tại hội nghị này. Ngày 03/02/1930 mãi mãi là mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì thành lập.

   Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Cách mạng tháng Tám, lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp đến lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến 09 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

   Ngày 02/9/1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta và để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta niềm tiếc thương vô hạn. Người đã để lại cho chúng ta bản Di chúc bất hủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam.

   Thực hiện Di chúc của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước triệu người như một, phát huy sức mạnh cao độ của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng ta đã tập trung trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp cách mạng trên cả nước.

   Trải qua các kỳ Đại hội Đảng, Đảng ta luôn xác định rõ quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”.  

   Thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra những chủ trương và biện pháp quan trọng về xây dựng Đảng, củng cố, kiện toàn và làm trong sạch bộ máy nhà nước, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; khắc phục những yếu kém trong bộ máy các tổ chức Đảng và Nhà nước, trong đó hết sức chú trọng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã xác định là giặc “nội xâm”. Có thể nói, chưa bao giờ cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này được Đảng, Nhà nước tiến hành quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng như thời gian qua. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cuộc đấu tranh này “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không ngừng nghỉ”. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.

   Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau cũng là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, Đảng ta luôn chú ý đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ làm người kế tục sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh. Các nghị quyết về công tác thanh niên, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… đều đề cập nhiệm vụ giáo dục, chăm lo thế hệ trẻ, coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

   Xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước. Đảng đã giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra nhiệm vụ đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, với các dân tộc bị áp bức, coi đó là một nguyên tắc, một trong những nhân tố quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng xác định củng cố sự đoàn kết với các phong trào cách mạng các nước trên tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; nhất quán coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào cách mạng, các xu hướng và trào lưu tiến bộ của thời đại vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; nêu cao nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở sức mạnh bên trong vừa tranh thủ và tận dụng sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các lực lượng bên ngoài.

   Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước… Việt Nam cũng là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế gới. Việt Nam là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế và khu vực, như: WTO, APEC, ASEAN, Phong trào không liên kết, Thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016; Tham gia và hoạt động tích cực với vai trò ngày càng được khẳng định tại các tổ chức của Liên hợp quốc, như được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021. Đồng thời năm 2020 Việt Nam cũng là Chủ tịch tổ chức ASEAN. Ngay trong thời điểm chống đại dịch COVID-19 này, Việt Nam đang phát huy trách nhiệm cao được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới ca ngợi.

   Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Từ những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

   Bác Hồ với các lực Lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam

   Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến các LLVT nhân dân. Bác đã dành nhiều tâm huyết xây dựng và rèn luyện các LLVT nhân dân Việt Nam tận trung với nước, tận hiếu với dân, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, cùng với toàn dân đưa cách mạng nước ta tiến lên, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ðúng như Ðiếu văn của Trung ương Ðảng ta đã viết khi Bác qua đời 2-9-1969: “Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.

   Trong di sản lý luận Hồ Chí Minh, tư tưởng xây dựng đội quân vũ trang cách mạng của nhân dân làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một hệ thống quan điểm về quân sự, quốc phòng… và hình thành, phát triển gắn liền với quá trình thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ngay khi tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, trong Chính cương vắn tắt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ghi rõ nhiệm vụ của Ðảng cần phải tổ chức đội quân công nông để đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc.

   Để có LLVT nhân dân hùng mạnh thì phải chăm lo xây dựng toàn diện cả ba thứ quân, trong đó bộ đội vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác mà công tác dân vận là hàng đầu và thường xuyên. Kỷ niệm một năm ngày thành lập quân giải phóng, Bác nhắc nhở: Phải tăng cường huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, nâng cao thể lực và trình độ văn hóa, phải phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng. Phải rèn luyện cho bộ đội tác phong chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, mưu trí dũng cảm, thắng không kiêu, bại không nản, tuyệt đối giữ bí mật. Người yêu cầu cán bộ quân đội phải gương mẫu, thương yêu binh sĩ như ruột thịt “từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên”.

   Bác Hồ là người hiểu thấu những hy sinh, gian khổ của lực lượng vũ trang phải chiến đấu với quân xâm lược có trang bị vũ khí hiện đại và tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh. Trong những năm kháng chiến gian lao, thiếu thốn trăm thứ, khó khăn mọi bề, Bác đặc biệt quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Người động viên toàn dân, kêu gọi toàn dân chăm lo cho bộ đội và giúp đỡ thương binh, bệnh binh và gia đình các thương binh, liệt sĩ. Bác thường tặng quà thương binh, bộ đội tác chiến, bộ đội phòng không bằng tiền lương của Bác và những món quà mọi người tặng Bác. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác căn dặn Ðảng, Chính phủ và nhân dân ta phải làm tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ; đối với những cán bộ, chiến sĩ LLVT nhân dân đã chiến đấu, công tác tỏ ra dũng cảm còn sức khỏe thì phải chăm lo đào tạo thành đội quân chủ lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

   Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc Việt Nam

   Sinh thời, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tình cảm và tấm lòng của Bác có sức động viên to lớn đối với đồng bào. Thân thiết, gần gũi với dân và một lòng tin yêu dân là nét đặc trưng nổi bật, nhất quán của phong cách Hồ Chí Minh. Những chỉ dẫn ân cần, sâu sắc của Người về đoàn kết – yêu nước, về độc lập – tự do cho đến nay và mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị. Như nội dung trong cuốn sách “Bác Hồ với các dân tộc tộc Việt Nam” có đoạn viết: “Qua những lời kêu gọi, thư gửi tới các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng cũng như trong các buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở tới nhiệm vụ đoàn kết dân tộc. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây cu. Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha Dân Tộc Thiểu Số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta… Bác luôn đề cao vai trò to lớn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về Bác Hồ – biểu tượng đoàn kết của Đảng, của các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam.

   Bác Hồ với các em thiếu niên, nhi đồng

   Tình yêu thương của Bác không chỉ là xót xa mà đã trở nên cụ thể, mạnh mẽ và đầy thuyết phục. Sinh thời, Bác đã chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải biết gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình các chiến sĩ”, “phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm”. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to, “mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”

   Sự quan tâm của Bác đối với trẻ em gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước. Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ, vị Chủ tịch nước trong bộn bề công việc vẫn không quên “những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, Người gửi thiếu nhi Việt Nam hai bức thư trong vòng một tuần lễ. Hai bức thư ấy tràn đầy niềm vui, niềm tự hào vì nước nhà đã độc lập, các em thoát kiếp “bầy nô lệ trẻ con”. Một mùa thu, Bác gửi cho các em lời yêu thương tha thiết:

   “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”.

   Nói với trẻ em, viết cho trẻ em, đến với trẻ em, Bác nhất quán trong phong cách và văn phong giản dị, gần gũi. Hàng trăm bức thư, bài báo, bài thơ tự tay Bác viết, tặng cho các cháu. Trong các bài nói, bài viết của Bác về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ không chỉ chứa đựng những tư tưởng quan điểm cơ bản mà còn có cả những lời chỉ bảo ân cần rất cụ thể và gần gũi với thực tế. Trong trái tim nhân ái của Người, trẻ em được ví “như búp trên cành” cần được che chở, chăm sóc và nâng niu để nở hoa tươi thắm, khỏe mạnh và tỏa hương cho đời. Người đã đặt niềm tin yêu vào những chủ nhân tương lai của đất nước, rằng: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.

   Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu 25 tác phẩm nổi bật viết về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

STT

Tên sách

Năm xuất bản

1

Học Bác để làm người

2020

2

Hồ Chí Minh – Người xây dựng Đảng Cộng sản và Chính quyền Nhà nước kiểu mới Việt Nam

2020

3

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam

2019

4

Hồ Chí Minh biểu tượng của thời đại

2019

5

Tôi bao giờ cũng là người yêu nước

2019

6

Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

2019

7

Bác Hồ với gương sáng về tiết kiệm

2018

8

Bác Hồ với thiếu nhi thanh thiếu niên qua các câu chuyện

2018

9

Bình dị mà sâu sắc lạ thường một lời căn dặn

2018

10

Chuyện kể Bác Hồ những năm tháng hoạt động của Bác ở nước ngoài (1911 – 1941)

2018

11

Chuyện kể Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng

2018

12

Hồ Chí Minh nhà yêu nước vĩ đại

2018

13

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và hội nhập và phát triển

2018

14

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp mới

2018

15

Bác Hồ với việc đọc và tự học

2017

16

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa

2017

17

Giá trị di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay

2017

18

Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam

2016

19

Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Việt Nam

2015

20

Hồ Chí Minh – Hòa bình hợp tác và phát triển

2015

21

Hồ Chí Minh – Sự hình thành một nhân cách lớn

2015

22

Bác Hồ với các Tướng lĩnh

2014

23

Hồ Chí Minh – Con người và thời đại dấu ấn trong lòng dân tộc

2014

24

Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc

2012

25

Chuyện kể Bác Hồ với nhà giáo

2018

     

 

Thực hiện:    Phòng Thông tin – Thư mục

   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây