Những người trẻ của đảo Lý Sơn – Kỳ 2: Sống chết với đặc sản quê hương

0
1022

   Sau 5 năm làm thuê, tích lũy kinh nghiệm, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Dư (31 tuổi, xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) tốn thêm 3 năm thương thảo hợp đồng để đưa hành tỏi Lý Sơn vào 8 siêu thị khác nhau trên khắp cả nước.

 
Những người trẻ của đảo Lý Sơn - Kỳ 2: Sống chết với đặc sản quê hương - Ảnh 1.

Anh Dư và con gái – Ảnh: T.MAI

   “Tôi muốn mọi thứ thật minh bạch để bảo vệ sản phẩm của quê hương

Nguyễn Văn Dư

   Tôi gặp Dư lúc anh đang vã mồ hôi chỉ dẫn thợ sửa lại kho chứa sản phẩm hành tỏi ngay tại đảo Lý Sơn. Dư chia sẻ: “Làm ăn với siêu thị cần nhất là uy tín. Phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn gốc rõ ràng, thời gian giao hàng không sai lệch. Không làm được những vấn đề này lập tức bị đào thải bởi thị trường…”.

   5 năm làm thuê học logistics và quản trị

   Không phải ngẫu nhiên Dư nói những vấn đề trên, bởi đó là bài học xương máu anh đã trải qua và từng chứng kiến. Trước anh cũng đã có người đưa được hành tỏi Lý Sơn vào một siêu thị, nhưng một thời gian ngắn sau đó bị siêu thị chấm dứt hợp đồng. Nguyên nhân chính bởi “logistics” và bài toán quản trị doanh nghiệp.

   Trong không gian đầy mùi hành tỏi ở kho chứa hàng, Dư nở nụ cười vui vẻ sau khi kiểm tra ngẫu nhiên một bao sản phẩm tỏi đạt tất cả mọi yêu cầu khắt khe mà phía siêu thị yêu cầu. Với Dư, bài toán quản lý chuỗi cung ứng cần phải làm tốt trước khi bắt tay vào việc thương thảo hợp đồng. 

   “Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục chứng thực sản phẩm… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Tôi đang có trong tay ba kho chứa hàng ở Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội cùng đội ngũ nhân viên đảm bảo cung ứng hàng cho tất cả chuỗi bán lẻ của 8 siêu thị đã ký kết” – Dư cho biết.

   Để có được kết quả của ngày hôm nay, chàng trai đất đảo đã trải qua 5 năm làm thuê. Sau khi tốt nghiệp đại học, Dư đầu quân cho một tập đoàn để học được bài học về logistics. 

   Khi công việc ổn định, cảm thấy mình đã hiểu vấn đề, Dư chuyển sang đầu quân cho một tập đoàn thực phẩm để học bài học về thị trường và bài toán cung ứng sản phẩm. 

   Sau đó anh tìm đến một công ty lớn để làm trưởng phòng kinh doanh, để hoàn thành bài học cuối cùng là quản trị doanh nghiệp. Sau đó Dư bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ của mình.

   “Ở ba đơn vị này, tôi làm ba vị trí khác nhau. Tôi quyết định mở công ty khi tự tin rằng bản thân có thể quản trị được doanh nghiệp. Đó là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ du lịch Lý Sơn. Sau khi giải quyết bài toán kho bãi, nguồn hàng, nhân viên và chắc chắn vận hành công ty trơn tru, tôi thương thảo hợp đồng với siêu thị đầu tiên. 

   Ba tháng sau phía đối tác chấp nhận ký hợp đồng sau khi về Lý Sơn kiểm tra. Sở dĩ công ty tôi được chọn vì đáp ứng tốt các yêu cầu của siêu thị. Sau 3 năm cố gắng, đến nay tôi có trong tay chuỗi cung ứng cho 8 siêu thị” – Dư kể về hành trình làm ăn của mình.

Những người trẻ của đảo Lý Sơn - Kỳ 2: Sống chết với đặc sản quê hương - Ảnh 3.

Mục tiêu của Dư là đưa hành, tỏi Lý Sơn, thường được bán ở chợ vào các siêu thị – Ảnh: T.M

   Minh bạch là sự tồn vong

   “Lúc đầu người dân cảm thấy khó chịu bởi chưa bao giờ họ bán hành tỏi mà phải ký hợp đồng. Nhưng khi hiểu ra việc ký kết hợp đồng nhằm đảm bảo công ty thu mua không trà trộn sản phẩm khác, không làm ăn gian dối gây mất giá trị thương hiệu hành tỏi Lý Sơn thì tất cả bà con đều đặt bút ký” – Dư cho biết.

   Hiện Lý Sơn đang vào vụ thu hoạch hành, khắp nơi trên đảo tỏa một mùi nồng đặc trưng. Sản phẩm làm ra nhiều nhưng chưa bao giờ “bình yên” với những người dân quê hương của các đoàn hùng binh Hoàng Sa. Sản phẩm hành tỏi Lý Sơn vốn có giá trị lớn cả về chất lượng và thương hiệu, vậy mà nhiều đận lao đao, đến mức nó được kêu gọi giải cứu. 

   Chính quyền và người dân đều hiểu lâu nay hành tỏi Lý Sơn bị nhái quá nhiều. Nỗi đau sản phẩm có thương hiệu mà không bán được giá cao là bài toán chưa có lời giải.

   Dư là đứa trẻ Lý Sơn, lớn lên từ bó hành của cha, củ tỏi của mẹ, anh hiểu rõ vấn đề ấy. Anh bảo rằng bài toán chỉ có thể giải quyết được khi người dân tự ý thức giá trị thương hiệu của sản phẩm mình làm ra. Vì điều ấy mà Dư chỉ bao tiêu mua sản phẩm chứ không bao tiêu về giá. Anh muốn người dân hòa nhập vào kinh tế thị trường, nếu giá lên cao công ty anh sẵn sàng mua cao và ngược lại.

   Dư biết chắc chắn rằng giá trị của hành tỏi Lý Sơn cao hơn rất nhiều so với giá hiện nay. Nếu người dân và doanh nghiệp mua bán minh bạch, sản phẩm được đóng gói với đầy đủ chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc hàng, xuất ra khỏi đảo với đầy đủ chữ ký xác nhận từ nhiều phía thì sẽ chẳng có câu chuyện buồn xảy ra với hành tỏi Lý Sơn nữa. 

   “Như sản phẩm tôi xuất đi cũng vậy, chỉ cần một chiếc smart phone người tiêu dùng đã tìm ra nguồn gốc. Đối tác ngồi ở đất liền cũng có thể điện thoại trao đổi với những người dân bán hành tỏi cho tôi để xác tín hoặc ra tận nơi đối chứng hợp đồng. Khi tất cả cùng làm như vậy thì sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường sẽ không còn đất sống. Tôi muốn mọi thứ thật minh bạch để bảo vệ sản phẩm của quê hương” – Dư tâm tình.

   Cho đến lúc này, đã có 400 người dân Lý Sơn ký kết hợp tác cùng công ty của Dư. Con số này sẽ còn lớn hơn nữa khi cả người dân, chính quyền và doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ sản phẩm tỏi Lý Sơn của mình. Còn Dư thì đang tiếp tục giấc mơ bao tiêu sản phẩm cho người dân nhiều hơn và nâng cao giá trị các đặc sản của Lý Sơn.

   Tiếp theo là chả cá

Chả cá cũng là một mặt hàng đặc sản của Lý Sơn. Sau hành tỏi, Dư dự tính đưa cả chả cá Lý Sơn vào siêu thị và các nhà hàng lớn. Hiện đã có những ký kết đầu tiên của công ty Dư cho dự án đưa chả cá Lý Sơn đến tay người tiêu dùng.

_____________________________________

Kỳ tớiHai chàng trai homestay ở đảo Bé

Trần Mai
Nguồn: https://tuoitre.vn

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây