Bao đời nay, sức sống của cây bàng vuông trước bão gió và thời tiết khắc nghiệt luôn được ví với hình ảnh người Lý Sơn kiêu hùng và gan dạ, đứng vững qua bao đận thiên tai, nhân tai giữ gìn từng tấc biển Hoàng Sa.
“Nếu ai cũng có những ý tưởng như Niệm chắc chắn rằng hình ảnh của đảo Lý Sơn sẽ được nhiều người đất liền biết đến thông qua cây bàng vuông và họ sẽ thêm yêu biển cả của cha ông
Anh Phạm Văn Vương
Loài cây ấy, bây giờ là một món quà lưu niệm mà chàng trai Nguyễn Duy Niệm (32 tuổi) làm việc tại huyện đoàn Lý Sơn gửi đến du khách mang về đất liền .
Niệm bảo rằng cây bàng vuông là biểu tượng sự kết nối giữa Lý Sơn với quần đảo Hoàng Sa. Trong tâm thức người Lý Sơn, loài cây chịu sóng gió này được những hùng binh vâng lệnh triều đình lặn bắt sản vật và cắm mốc chủ quyền ở quần đảo này mang về trồng ở Lý Sơn. Chẳng còn điều tuyệt vời nào hơn khi giới thiệu đảo bằng món quà đặc biệt ấy với người đất liền.
Ươm trồng biểu tượng
Niệm nghe các bậc cha chú truyền lại bao đời rằng cây bàng vuông đại diện cho tích cách và chất sống của Lý Sơn: không luồn cúi, không sợ hãi, luôn vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vài năm trước, các bô lão trên đảo khẳng địn, ngoài ba cây bàng vuông cổ thụ được mang về từ Hoàng Sa đang tồn tại trên đảo thì chẳng còn cây bàng vuông nào khác.
Đã có nhiều cuộc họp làng bàn về việc ươm trồng nhân giống bàng vuông nhưng chẳng mấy ai làm được. Trái bàng vuông khi già, khô cứng, việc bắt nó nảy mầm phải trải qua sự kỳ công và kiên nhẫn.
Buổi chiều hôm ấy, từ huyện đoàn Lý Sơn về nhà, Niệm giới thiệu cho chúng tôi về cây bàng vuông bằng giọng tự hào. Ở đảo này, không ai ươm được cây bàng vuông và quy trình chăm sóc giúp cây khỏe mạnh tốt hơn Niệm.
Về đến nhà, chúng tôi choáng trước “gia sản” xanh của Niệm, một rừng cây bàng vuông con cao chừng 1m đang phát triển mạnh. Cạnh đó, những trái bàng bắt đầu nẻ vỏ bung mầm, lú nhú như mạ non.
Niệm lấy tay bới nhẹ nền cát mỏng, cho biết: “Từ khi bỏ trái bàng vuông xuống đất, phải mất 10 tháng để nó nảy mầm. Lần đầu ươm tôi phải kiên nhẫn tưới nước. Nếu nản không thể ươm thành công được”, Niệm chia sẻ.
Ít ai biết có một bí mật ở cây bàng vuông. Khi cây lên chồi và cho vào bầu ươm để cây phát triển mạnh, không phải chuyện phân, nước đều đặn mà vấn đề nằm ở nước biển. Cây chỉ có thể giữ lá khi hòa nước biển loãng để tưới mỗi ngày.
“Loài cây này đặc biệt quá chừng, cây khác gặp nước biển là yếu, riêng cây này lại rất hợp. Có lẽ chúng sinh ra để dành cho biển”, Niệm nói.
Để giải mã được bí mật đó, Niệm phải trải qua thời gian tận tụy với từng chồi xanh. Nghiên cứu nhiều bởi chàng trai này muốn có thêm những bóng bàng vuông tỏa khắp các con đường quanh đảo. Và sau năm năm ươm trồng, những chồi xanh tự hào ấy cùng với huyện đoàn Lý Sơn hiện diện trên khắp các con đường.
Quà tặng ý nghĩa
Kết thúc cuộc nói chuyện, Niệm bảo rằng mình bén duyên với những chồi xanh bàng vuông từ lúc tiếp một nhóm người trẻ ra Lý Sơn chơi, họ ghé huyện đoàn hỏi xin cây bàng vuông về làm quà. Nhưng tìm đâu ra cây bàng vuông con bây giờ, thế là chiều hôm ấy, Niệm đi tìm nhặt trái bàng vuông khô về ươm thử nghiệm và cuối cùng thành một chuyên gia bàng vuông như bây giờ.
“Lúc thấy chồi bàng vuông đầu tiên nhú lên tôi mừng lắm. Nhờ đó mới có món quà tặng ý nghĩa cho bạn bè ở đất liền”, Niệm nói.
Từ tặng phẩm, nhiều bạn bè khuyến khích Niệm ươm bàng như một ý tưởng khởi nghiệp, huyện có tặng phẩm cho khách, Niệm có thêm thu nhập. Ý tưởng ấy biến Niệm thành “vua bàng vuông” trên đất đảo.
Mỗi năm anh ươm cả nghìn cây bàng vuông và tất cả rời khởi đảo vào đất liền. Bản thân là một cán bộ Huyện đoàn, Niệm cảm thấy tự hào khi mỗi cây bàng vuông rời đảo, hình ảnh đảo Lý Sơn lại hiện diện ở nhiều nơi trên tổ quốc.
“Tôi nghĩ trong những cuộc nói chuyện, mọi người sẽ giới thiệu cây bàng vuông đang trồng ở nhà được mua từ Lý Sơn và nhiều người sẽ thêm vào đó câu chuyện tôi kể về ba cây bàng cổ thụ mang về từ Hoàng Sa bởi đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”, Niệm nói.
Với Niệm ươm cây bàng vuông sẽ tạo sự đa dạng của tặng phẩm từ Lý Sơn. Vỏ ốc, vỏ sò bắt mãi rồi cũng cạn kiệt, tặng phẩm lưu niệm chuyến đi ấy cũng không ý nghĩa bằng cây bàng vuông.
Niệm kể có một doanh nhân ở Phú Yên sau khi thăm đảo và mua hai cây bàng vuông con về trồng cách đây 3 năm. Hơn một năm trước người ấy đã gọi điện, đặt hơn 1.000 cây bàng vuông mang về Phú Yên. Doanh nhân ấy bảo rằng ông làm thế để sau này lớn lên, những cây bàng vuông Lý Sơn xuất xứ từ Hoàng Sa đó sẽ kể về lịch sử của nó cho nhiều người biết.
Anh Phạm Văn Vương, bí thư huyện đoàn Lý Sơn nói về Niệm với giọng vui vẻ, kèm theo lời cảm ơn. Vương bảo, những thanh niên góp sức phát triển đảo nhà luôn được khuyến khích và cây bàng vuông của Niệm không đơn thuần là chuyện khởi nghiệp. Đó còn là hình ảnh của Lý Sơn muốn gửi đến đất liền, rằng dân Lý Sơn cùng các thế hệ trẻ của họ lúc nào cũng vững chắc như cây bàng vuông với quyết tâm bám biển giữ chủ quyền.
Trên chuyến tàu rời đảo, tôi thấy du khách Nguyễn Bình Hà (TP Huế) mang hai cây bàng vuông lên tàu. Anh băng kỹ từ bầu đến đỉnh lá bằng giấy báo. Anh Hà bảo sẽ mang trồng hai bên cửa nhà vừa làm bóng mát vừa nhớ về Lý Sơn. Anh Hà nói “Chắc chắn rồi, tôi sẽ giới thiệu cho hàng xóm, bạn bè biết về xuất xứ của hai cây cùng với câu chuyện nghe được từ anh Niệm”, anh Hà tâm tình.
____________________________________
Kỳ tới: Hợp tác xã của những người trẻ