Trên con đường dọc theo kè chắn sóng hướng về thắng cảnh Cổng Tò Vò, những khối bêtông thô ráp ngày nào giờ phủ đầy bích họa. Đó là sản phẩm đầu tay của Củ tỏi Lý Sơn, khi anh trở về giữ gìn những nét văn hóa truyền thống trăm năm.
Tôi là Củ tỏi Lý Sơn, là người Lý Sơn chính hiệu, tôi đang vẽ những bức tranh sơn dầu về đảo, về những người con hùng binh Hoàng Sa kiêu hãnh.
Họa sĩ Nguyễn Văn Đạt
Những lần gặp trước, ông Ngô Văn Nghĩa – trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện đảo Lý Sơn – luôn trăn trở về một ngày Lý Sơn sẽ không còn họa sĩ vẽ đình chùa miếu mạo và phục vụ những lễ hội biển khơi.
Nhưng lần này ông vui vẻ giới thiệu với tôi “Củ tỏi Lý Sơn” – một họa sĩ đủ sức khỏa lấp nỗi lo lâu nay của ông.
Theo lời giới thiệu, từ hướng trung tâm huyện Lý Sơn chúng tôi đi qua con đường dọc theo kè chắn sóng hướng về thắng cảnh Cổng Tò Vò, những khối bêtông thô ráp ngày nào giờ phủ đầy bích họa. Đó là “sản phẩm đầu tay” của “Củ tỏi Lý Sơn” khi trở về để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống trăm năm của hòn đảo này.
Đôi tay tài hoa
Đưa cọ phết lấy sơn, đôi tay tài hoa của “Củ tỏi Lý Sơn” biến khung tranh trắng trơn thành hình người ngư dân đang ngồi trên con tàu cô đơn giữa biển, ý nghĩa của bức tranh này nói lên chuyện cá tôm dần cạn kiệt, cuộc sống ngư dân ngày càng khó khăn, cần phải bảo tồn để cá tôm sinh sôi trở lại.
Họa sĩ Nguyễn Văn Đạt (29 tuổi) vừa vẽ vừa giới thiệu: “Tôi là Củ tỏi Lý Sơn, là người Lý Sơn chính hiệu, tôi đang vẽ những bức tranh sơn dầu về đảo, về những người con hùng binh Hoàng Sa kiêu hãnh và sẽ vẽ những gì thuộc về hòn đảo thiêng quê tôi”.
Những ngày qua, Đạt phải chạy đua với thời gian vẽ 30 bức tranh sơn dầu, chuẩn bị trưng bày trong Tuần lễ văn hóa – du lịch biển đảo Lý Sơn lần 2.
Để những nét cọ thành hình trên tầng gác mái hôm nay, Đạt trải qua nhiều tháng trời đi quanh đảo, phác họa ý tưởng tranh. Nếu như trong tuần lễ văn hóa lần 1, Đạt mang đến những bức tranh tôn vinh những danh thắng và di sản địa chất tuyệt đẹp của Lý Sơn thì lần này gian trưng bày của người họa sĩ trẻ sẽ là câu chuyện về môi trường, biển khơi.
“Tôi muốn cho mọi người thấy rác thải, nhất là rác thải nhựa, cực kỳ nguy hiểm, qua đó kêu gọi người dân, du khách chung tay loại bỏ rác nhựa” – Đạt nói.
Theo đánh giá của người dân am hiểu ở Lý Sơn, Đạt tài hoa hơn các thế hệ trước anh, vì có thể vẽ tranh siêu thực, tranh đời sống và cả những bức vẽ 3D. Thậm chí chàng họa sĩ trẻ có thể tự thiết kế và thi công tất cả những hạng mục đình chùa, miếu mạo có kiến trúc và hoa văn cực khó.
Lý giải cho chuyện này, Đạt khiêm nhường chia sẻ: “Giỏi hơn thì không hẳn, vì tôi cần phải học tập rất nhiều. Lý do tôi có thể cùng lúc làm nhiều việc là nhờ tốt nghiệp Đại học Công nghệ TP.HCM ngành thiết kế đồ họa và tốt nghiệp ngành hội họa Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Tôi đã trải qua 5 năm vẽ tranh và thiết kế đồ họa ở Sài Gòn trước khi về đây”.
Với Đạt, khoảng thời gian 10 năm ở TP.HCM học và đầu quân cho công ty thiết kế, thi công mỹ thuật giúp anh kiếm được rất nhiều tiền, có những dự án kiếm được cả trăm triệu đồng sau một tháng thi công. Nhưng anh chỉ mong học nghề thuần thục để về lại Lý Sơn.
“Tôi rất thích đội thuyền tứ linh, nhưng vẽ hồn phách cho đội thuyền giờ chỉ còn mỗi chú Hên. Nhưng chú cũng lớn tuổi rồi, có lần tôi thấy chú vừa ho vừa vẽ cho kịp thời gian. Vì vậy tôi nung nấu ý định trở về để nối tiếp công việc của những người đi trước như chú Hên sau một thời gian bôn ba ở Sài Gòn” – Đạt nói.
Nguyện gắn bó với Lý Sơn
Dưới mỗi bức tranh Đạt vẽ đều có nghệ danh “Củ tỏi Lý Sơn”, Đạt cho biết nghệ danh này có từ khi anh còn ở TP.HCM, những người bạn yêu thích tranh sơn dầu của Đạt giới thiệu cho người khác biết đây là tác phẩm của một chàng trai Lý Sơn và họ gọi Đạt bằng cái tên “Củ tỏi Lý Sơn”.
Thấy tên gọi này hay hay và có ý nghĩa nên Đạt quyết định dùng nó làm nghệ danh cho mỗi bức họa của mình. Theo anh, đó cũng là một thông điệp để mọi người biết đến Lý Sơn nhiều hơn.
Dù mới hai năm trở về đảo nhưng dấu ấn của “Củ tỏi Lý Sơn” để lại ở Lý Sơn khá đậm nét. Khắp nơi trên đảo từ nhà dân đến công trình công cộng, chùa miếu, những bức bích họa từ đôi tay nghệ sĩ của Đạt làm đảo đẹp và thân thiện hơn.
Ấn tượng nhất phải kể đến bức tranh 3D rộng 70m2 nằm gần cầu cảng Lý Sơn, Đạt vẽ hai chú rùa đang bơi giữa đại dương, nhưng bao quanh toàn rác thải nhựa.
“Khi tôi còn nhỏ, rùa biển lên đảo đẻ trứng rất nhiều. Nhưng bây giờ thì chẳng còn thấy rùa nữa. Sinh vật biến mất, còn rác thì nhiều thêm, tôi rất buồn về điều ấy. Chính con người đã tác động phá hỏng thiên nhiên. Với bức tranh ấy, tôi mong người dân sống hòa hợp với thiên nhiên thay vì điều chỉnh thiên nhiên theo ý mình” – Đạt trải lòng.
Đạt luôn tâm niệm rằng được cống hiến cho hòn đảo quê hương là điều hạnh phúc nhất của anh. Và anh sẽ gắn bó với Lý Sơn để chăm sóc, tôn tạo và bảo trì hàng chục di tích văn hóa thờ mẹ biển khơi ở khắp đảo.
“Tín ngưỡng của người dân Lý Sơn là biển mẹ, khắp nơi đều thờ mẹ biển khơi như người đất liền thờ thần hoàng thổ địa vậy. Chính tín ngưỡng này tạo nên một Lý Sơn khác thường và luôn gắn bó với vùng biển đảo Hoàng Sa. Và tôi muốn gìn giữ điều ấy bằng sự đóng góp của đôi tay mình” – Đạt nói.
Khi chúng tôi đi dọc bờ kè và ngắm nhìn con đường bích họa do Đạt và các bạn sinh viên Trường đại học Đà Nẵng vẽ, nhiều du khách mời “Củ tỏi Lý Sơn” chụp hình chung khi biết anh là tác giả của bích họa. “Trời, em thấy con đường quá đẹp, cứ nghĩ các họa sĩ trong đất liền ra, ai ngờ người vẽ lại ở ngay đây. Em sẽ chụp ảnh và khoe với bạn bè sau chuyến đi” – một du khách trẻ tên Khánh Ly nói.
Sẵn sàng hỗ trợ người trẻ
Trong cuộc đối thoại mới đây của Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy (36 tuổi – ảnh) với những người trẻ đất đảo, nhiều vấn đề tâm huyết được những người trẻ khởi nghiệp đặt ra.
Nói như anh Vy, đó là thách thức mà người trẻ đặt ra cho chính quyền để thay đổi toàn diện huyện Lý Sơn theo hướng bền vững như mong muốn của họ. “Những người trẻ đang trên hành trình dẫn dắt toàn bộ Lý Sơn chuyển mình. Chỉ cần những ý tưởng của họ hợp lý và thiết thực, huyện sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho họ thực hiện”, anh Vy nói.
https://tuoitre.vn