Ở vùng ven biển Sa Huỳnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) có một loại nếp ngon nức tiếng, tương truyền là để tiến vua. Hạt nếp dẻo và thơm đặc trưng so với những nơi khác…
Qua bao thăng trầm, giống nếp hạt tròn mẩy, vỏ vàng mơ vẫn hiện diện trên vùng đất ven biển Sa Huỳnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), dù cư dân nơi đây chỉ canh tác hai vụ là đông – xuân và vụ mùa, khoảng thời gian dịu mát trong năm.
Đất trời tụ trong hạt nếp
|
Thu về hay giữa đông, người dân quê cần mẫn cấy nếp trên những thửa ruộng dưới chân núi, nằm cạnh biển rì rầm sóng vỗ. Sau 3 tháng chắt lọc dưỡng chất từ đất và hấp thu tinh khí của trời, những bông nếp trĩu hạt rạng ngời trong mắt bao phận đời lam lũ. Người dân trong làng í ới gọi nhau mang quang gánh ra đồng gặt những bông nếp vàng mơ đong đưa trước gió.
Vùng đất Sa Huỳnh với những ngọn núi nhô ra biển tạo cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú. Những cánh đồng nhỏ bên chân núi nằm cạnh xóm làng tạo nên khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ. Mưa lũ cuốn trôi lượng mùn đất nâu xám từ núi cao bồi đắp, phủ lên trên bề mặt lớp cát vàng. Gió từ khơi xa thổi vào bờ bị chặn bởi những ngọn núi phía tây, quẩn quanh trên khắp ruộng đồng. Nắng lắm, mưa nhiều cùng bốn mùa lộng gió tạo nên tiểu vùng khí hậu đặc trưng, phù hợp với loại nếp bao đời nức tiếng gần xa. “Khi nếp vừa làm đòng (đứng cái), hương thơm lan tỏa trong gió. Sáng sớm vác cuốc ra đồng thăm ruộng ngửi hương nếp sảng khoái lắm, thấy người khỏe hẳn ra. Gặt về nếp vẫn thơm, chà xát rồi bóc vỏ vẫn còn thơm. Mở nắp nồi xôi nếp ngự vừa nấu chín bốc mùi thơm phức là muốn ăn liền. Xôi dẻo ngon và mùi thơm dễ chịu lắm. Nhiều người mang giống nếp ở đây đến trồng nơi khác nhưng không thơm ngon bằng…”, ông Nguyễn Thanh Xuân, nông dân ở xã Phổ Châu, H.Đức Phổ, tâm sự.
Bao đời, cư dân Sa Huỳnh lưu truyền câu chuyện khá ly kỳ về hạt nếp quê mình. Chuyện kể rằng, thuở trước, có một vị vua cùng đoàn tùy tùng đi kinh lý khắp đất nước. Khi đến Sa Huỳnh, vua ban lệnh dừng xa giá để thưởng ngoạn khung cảnh trời nước bao la, núi non kỳ vĩ.
Những bô lão ở Sa Huỳnh cung kính dâng lễ vật là bánh tét và xôi chế biến từ loại nếp họ đã nhọc công cấy trồng. Bánh và xôi ngan ngát hương thơm, dẻo ngon khiến vua ngỡ ngàng. Vua ban thưởng cho các bô lão rồi ban bánh và xôi cho các quan hầu cận cùng ăn. Khi về đến hoàng cung, vua ban thánh chỉ lệnh cho vị quan trấn nhậm nơi đây hằng năm phải tiến cống loại nếp dẻo và thơm ngon đặc trưng so với những nơi khác. Từ đó, loại nếp thơm ngon vua từng thưởng thức mang tên nếp ngự Sa Huỳnh.
|
Nâng niu giống quý
Nếp cho năng suất thấp nên khi cuộc sống còn khó khăn, người dân Sa Huỳnh chỉ trồng trên diện tích nhỏ, chủ yếu lưu giữ nguồn giống quý và chế biến món ăn dâng cúng tổ tiên. Những hạt nếp sau khi gặt về được cho vào lu sành cất kỹ để tránh bị chuột ăn và chống ẩm mốc. Vào dịp tết hay ngày giỗ, họ mang ra xay giã rồi gói bánh tét, nấu xôi thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên. Món xôi hay bánh luôn được ưu ái trong bữa cơm đoàn viên sau bao ngày xa cách, là món ăn con cháu dâng mời bậc cao niên để tỏ lòng hiếu nghĩa.
Giờ cuộc sống đủ đầy, nhiều người muốn được thưởng thức món ngon nên tìm mua nếp ngự Sa Huỳnh. Vì thế, diện tích cấy trồng ngày càng mở rộng so với trước. Những cánh đồng nếp vàng ven biển ngát hương níu chân lữ khách. Những món ăn: cốm, xôi, bánh tét, bánh ống, bánh rò, bánh hồng… góp phần giới thiệu hương vị Sa Huỳnh với bạn bè gần xa. Rượu nếp ngự Sa Huỳnh trong vắt, phảng phất hương vị ruộng đồng cùng núi đồi và sóng gió biển khơi làm say đắm lòng người.
Người dân Sa Huỳnh bảo quản giống nếp quý để gieo trồng cho mùa sau khá công phu so với nơi khác. Họ chọn những bông nếp trĩu hạt tròn mẩy với sợi râu trên đầu rồi buộc thành bó treo ngược nơi thoáng mát. Bên trên mỗi bó giống gắn chiếc nón lá cũ ngăn lũ chuột vì “chúng rất thích ăn loại nếp dẻo thơm đến vua quan cũng thèm”.
Trước ngày xuống giống, họ cẩn thận tuốt từng bông, lựa những hạt đạt yêu cầu ngâm trong nước ấm rồi ủ cho mầm trắng vươn ra khỏi lớp vỏ vàng. Những mầm cây tươi non được gieo trồng trên thửa ruộng bừa tơi nhuyễn, rễ bám vào đất như trẻ thơ ôm bầu vú mẹ với tiếng ầu ơ bên vành nôi.
Mùa nối tiếp mùa đi qua tháng năm mưa nắng cùng sương gió. Những hạt nếp vừa khô vỏ được thương lái mua với giá cao từ 2,5 – 3 lần so với lúa sản xuất đại trà. “Mỗi bông chỉ chọn được vài chục hạt làm giống. Hạt tròn mẩy, phải có râu nhưng không được quá dài thì nếp mới dẻo và thơm ngon”, ông Nguyễn Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phổ Châu, cho biết.
Nhân cao giá trị
Những ngày này, nhiều nông dân vui vẻ nói cười, bàn tán chuyện nếp ngự Sa Huỳnh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. “Giấc mơ thương hiệu” sau bao năm nâng niu giống nếp dẻo thơm giờ được như ý nguyện.
Gần trọn đời gắn bó với giống nếp trao truyền từ tiền nhân, ông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, nếp càng dẻo ngon và ngát hương khi áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ. Ông Xuân nói: “Lúc trước chúng tôi gieo mạ rồi nhổ cấy, chỉ bón phân bò nhưng nếp ít sâu bệnh. Dù năng suất thấp nhưng nếp rất dẻo và thơm ngon. Giờ được công nhận thương hiệu, chắc giá bán cao hơn, tôi sẽ cấy và bón phân hữu cơ, giảm phân thuốc hóa học cho nếp thơm ngon hơn…”.
Còn ông Nguyễn Hoành Sơn thì góp chuyện: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, chính quyền xã dồn điền đổi thửa hàng trăm héc ta ruộng. Tôi đã đề nghị cấp trên hỗ trợ mua máy cấy để việc canh tác của bà con được thuận lợi, giảm ngã đổ khi đến mùa mưa bão. Bên cạnh đó, hợp tác xã đang đề nghị cấp trên và kêu gọi bà con xã viên đóng góp kinh phí xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị chế biến thức ăn, đồ uống từ nếp. Như vậy sẽ tránh được tình trạng tư thương ép giá và thương hiệu nếp ngự Sa Huỳnh ngày càng vang xa…”.
Diện tích canh tác nếp Sa Huỳnh hiện trên 50 ha với hơn 500 hộ dân tham gia sản xuất. Năng suất mỗi vụ hơn 40 tạ/ha. Vùng chuyên canh nếp ngự Sa Huỳnh được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận với diện tích gần 218 ha. “Trong thời gian tới, tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ kinh phí để hợp tác xã phục tráng, bảo tồn nguồn giống quý. Chúng tôi sẽ kêu gọi đơn vị chức năng hỗ trợ kinh phí mở rộng diện tích trồng nếp, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm… nhằm đưa nếp ngự Sa Huỳnh đến với đông đảo người tiêu dùng…”, ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đức Phổ, cho biết. |
Muốn mua giống loại nếp này thì mua ở đâu ạ?