Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934 – 2005) là một học giả nổi tiếng, một trong “tứ trụ” của sử học Việt Nam. Ngoài tâm huyết dành cho sự nghiệp giáo dục với vai trò thầy giáo, từng giảng dạy tại Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và một số trường khác, ông còn viết rất nhiều bài nghiên cứu khoa học, được đăng trên các tạp chí chuyên môn trong và ngoài nước. Chỉ nhìn vào khối lượng ấn phẩm đồ sộ đó, chúng ta cũng có thể hình dung được sức làm việc không mệt mỏi của ông. Những tác phẩm của giáo sư đã biểu hiện một tri thức sắc sảo, sâu rộng trong nhiều lĩnh vực như sử học, khảo cổ học, văn hóa, nghệ thuật.v.v…
“Theo dòng lịch sử – Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt” được viết như một cuốn hồi ký ghi lại chặng đường lịch sử nghiên cứu của cố GS. Trần Quốc Vượng, những mảnh đất nơi ông đã từng đến và đi qua trên mọi miền Tổ quốc, cùng với những quan điểm, suy nghĩ, nghiên cứu của ông về lịch sử, văn hóa và tâm thức người Việt, đặc biệt là Khảo cổ học.
Cuốn sách tập hợp những bài viết của GS. Trần Quốc Vượng cho thấy cái nhìn sâu sắc của một nhà nghiên cứu sử học về những vùng đất, con người Việt Nam từ đất tổ của các vua Hùng xưa cho đến mũi Cà Mau, điểm cuối cùng của đất nước. Mỗi vùng đất lại có những tập tục văn hóa mang những nét riêng, tạo ra sự đa dạng trong văn hóa dân tộc. Qua những trang viết của ông, bạn đọc yêu văn hóa và lịch sử Việt Nam cũng như các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy những tri thức quý báu, làm giàu thêm vốn văn hóa của mình.
Sách “Theo dòng lịch sử – Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt” của GS. Trần Quốc Vượng dày 469 trang, do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2018 đã giới thiệu khoảng 55 bài nghiên cứu của ông như: Nhớ về đất tổ – Nghĩa về đất tổ đền Hùng – Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng – mấy ý kiến về trống đồng và tâm thức người Việt cổ – Vĩnh Phú vị thế địa chính trị và bản sắc địa văn hóa – Cổ Loa – Làng Bùng – Trạng Bùng – Khảo cổ học môi sinh khu vực Hương Sơn – Hương Sơn thời tiền sử và sơ sử – Phù Đổng từ truyền thuyết đến hội khỏe – Mê Linh hôm qua, hôm nay và ngày mai – Đông Anh truyền thống và cách mạng – Câu chuyện về mọt làng quê – Mùa xuân của một làng quê – Về thăm Hương Ngải – Xứ Bắc ngày xưa – Bắc Thái, anh là ai – Xứ Bắc, Kinh Bắc một cái nhìn địa văn hóa, Hà Bắc trong sự hình thành văn minh Việt cổ – Xứ Đông, Hải Hưng nhìn từ kẻ chợ – Đôi bờ ngũ huyện khê – Khu danh thắng và di tích núi Tứ Trầm, chùa Trầm – Hải Phòng nhìn từ thủ đô Hà Nội – Cao Bằng dưới cái nhìn dân gian về sự giao thoa văn hóa Tày, Việt – Ở một vùng biên ải – Về tên đất… – Về với Cà Mau.v.v…
Minh Tuấn