“LÀNG HỒNG” QUA KÝ ỨC NGƯỜI TRONG CUỘC

0
454

   Kính thưa quý độc giả!

   Nhân kỷ niệm 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai – Sơn Mỹ (16/3/1968 – 16/3/2023), Đại tá Võ Cao Lợi ra mắt độc giả cuốn sách Ký ức “Làng Hồng”. Sách dày 504 trang, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2023.

   Theo Đại tá Võ Cao Lợi giải thích, Làng Hồng! là tên gọi mang tính biểu tượng hơn là tên một địa danh, nó chỉ xuất hiện và được gọi sau khi vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra, còn trước đó thì tên gọi này chưa có. Quân đội Mỹ đặt tên cho xã Sơn Mỹ là “Làng Hồng” nhằm để ám chỉ đây là vùng đỏ, vùng thân “cộng sản”, nên trên bản đồ quân sự của quân đội Mỹ nó được tô bằng mầu hồng và gọi là “Pinkville – Làng Hồng”.

   Thưa quý độc giả!

   Võ Cao Lợi sinh ra tại làng quê Sơn Mỹ, là một trong số ít người đã thoát chết trong vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ). Năm 15 tuổi, ông thoát ly theo quân giải phóng, sau ngày đất nước hòa bình, Võ Cao Lợi được Quân đội cử đi học tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, ra trường làm việc trong ngành kỹ thuật Quân khu V, sau đó là Trưởng ban Lịch sử – Tổng kết ngành kỹ thuật Quân khu V, rồi Trưởng ban Lịch sử, tổng kết công tác Đảng, công tác Chính trị Quân khu V, về hưu với quân hàm Đại tá.

   Trong suốt 40 năm qua, nỗi đau về Sơn Mỹ vẫn dai dẳng trong lòng tác giả, với tinh thần kỷ luật, trung thực, trách nhiệm và khiêm tốn, tác giả đã dày công sưu tầm, khai thác tư liệu văn bản, gặp gỡ các nhân chứng, phân tích, đánh giá, lựa chọn các nguồn tư liệu từ cả phía Mỹ và Việt Nam đã được Đại tá Võ Cao Lợi nêu ra khá đầu đủ như tên đơn vị, tên tuổi những kẻ sát nhân – những lính Mỹ trực tiếp sát hại người dân làng Sơn Mỹ và cả những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát. Nội dung cuốn sách còn nêu ra những quan điểm khi viết về những người lính Mỹ có lương tri – những người đã tìm mọi cách cứu giúp những nạn nhân còn sống sót, tìm mọi cách đưa vụ thảm sát ra tố cáo với nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, họ là những người đã cùng đồng hành với nhân dân Sơn Mỹ, và trở thành những ân nhân, người bạn tốt được nhân dân Sơn Mỹ nói riêng và người dân Quảng Ngãi nói chung yêu mến.

   Nói về vụ thảm sát Mỹ Lai có lẽ ai cũng biết, vì đó là một ký ức đau thương không chỉ của nhân dân Sơn Mỹ mà đó là nỗi đau của nhân loại. Vụ thảm sát do lực lượng đặc nhiệm Barker, thuộc Lữ đoàn 11 bộ binh của Sư đoàn American quân đội Mỹ gây ra tại xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi) rất dã man và khủng khiếp. Chỉ trong buổi sáng ngày 16//3/1968, 504 thường dân đã bị sát hại, trong đó có 182 phụ nữ (17 chị đang mang thai), 173 trẻ em (trong đó có 56 trẻ chỉ mới 5 tháng tuổi), 60 người già trên 60 tuổi. Đặt biệt ở xóm Thuận Yên (lính Mỹ gọi là Mỹ Lai 4) có 407 người dân bị quân Mỹ giết hại, 24 gia đình không còn một ai. Thời gian dần trôi qua, nhưng nỗi đau ấy như một di chứng đau thương đối với Đại tá Võ Cao Lợi, như lời tác giả ghi trên bìa cuốn sách: “…dù thế nào thì nó cũng phải được ghi lại, cho mọi thế hệ, vì mọi thế hệ, kể cả thế hệ của chúng ta. Và tôi đã ghi lại theo khả năng và cách của mình, xem đây là nén tâm nhang kính dâng hương hồn các nạn nhân; là chút ân tình của tôi đối với thân nhân của họ, cũng như đối với quê hương, làng xóm và đặc biệt là lòng kính yêu sâu sắc đối với Người Mẹ yêu quý của tôi”.

   Tập sách có 11 chương, được tác giả mô tả như một chất sử thi dễ đọc, dễ nhớ, từ ngữ mạch lạc, rõ ràng, thứ tự từng chương: Tịnh Khê – đất và người, nhân dân Tịnh Khê tham gia kháng chiến, kiến quốc và đấu tranh chống chế đội độc tài Ngô Đình Diệm, xuống đường Tết Mậu Thân, trong vòng tròn đỏ, thảm sát ở xóm Mỹ Hội – Mỹ Lai 2, thảm sát ở xóm Thuận Yên – Mỹ Lai 4, những người sống sót, phát động căm thù, phiên tòa thế kỷ, người Mỹ quay trở lại và chương kết.                                                                                   Tập sách Ký ức “Làng Hồng” của Đại tá Võ Cao Lợi là một công trình khảo cứu về địa danh, sự kiện lịch sử xảy ra trong chiến tranh, ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh, tầm thường nhưng nổi tiếng, đó là quê hương của tác giả, vùng đất Tịnh Khê – một vùng địa linh nhân kiệt. Ngày 16/3/2023, tập sách sẽ được giới thiệu cùng với quý độc giả tại Khu chứng tích Sơn Mỹ nhân dịp Kỷ niệm 55 năm xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ./.

Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây