Tóm tắt tiểu sử:
Đồng chí Nguyễn Thành Nghi tên thật là Nguyễn Xì, sinh ngày 10/5/1914, tại thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước, đồng chí Nguyễn Thành Nghi sớm giác ngộ và tham gia phong trào cách mạng ở địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 6/1930.
Năm 1931, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ xã làm giao thông và in ấn tài liệu cho Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Năm 1932, thực dân Pháp và bọn tay sai ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở địa phương, đồng chí bị địch bắt, giam ở Nhà lao Quảng Ngãi. Trong tù, dù bị địch tra tấn, đánh đập tàn nhẫn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết và tinh thần của người cộng sản.
Năm 1933, sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức để xây dựng cơ sở cách mạng trong tỉnh.
Từ tháng 6/1936, đồng chí được phân công làm Ủy viên Ban Vận động xây dựng lại cơ sở Đảng trong tỉnh, tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh công khai trong phong trào dân chủ (1936 – 1939).
Tháng 5/1937, tại Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Tịnh lần thứ nhất, đồng chí được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy và được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.
Tháng 7/1937 đến tháng 9/1939 làm Bí thư Tỉnh ủy chính thức, đồng thời được Xứ ủy chỉ định tham gia Ban Thường vụ Liên tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên.
Tháng 10/1939, đồng chí bị địch bắt và đày lên Buôn Ma Thuột, sau đó, chuyển đến Nhà tù Đăk Tô, Kon Tum. Đến tháng 3/1945, sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương.
Từ tháng 4 đến tháng 8/1945, đồng chí được tổ chức phân công làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi; Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh. Đồng chí đã tham gia cùng với Tỉnh ủy, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi lãnh đạo tiến hành cách mạng tháng Tám thành công trên địa bàn tỉnh.
Cuối tháng 9/1945, đồng chí giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh, Ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí đã cùng với Tỉnh ủy lãnh đạo Nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng và tham gia kháng chiến, kiến quốc, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ngãi trở thành vùng tự do an toàn vững chắc của Khu V trong kháng chiến chống Pháp.
Năm 1949, đồng chí được cử đi học văn hóa, 1 năm sau đó được phân công về làm Thường vụ liên Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến liên tỉnh Gia Lai – Kon Tum.
Năm 1951, đồng chí được cử đi học lớp Cao cấp lý luận Mác – Lênin tại Trường Đảng Bắc Kinh, Trung Quốc.
Năm 1953 ra trường trở về nước đồng chí được phân công làm Ủy viên đoàn phát động giảm tô ở Liên khu 3 và Liên khu 4 (Nghệ An, Thanh Hóa). Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ huy dân công tỉnh Thanh Hóa, tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí giữ chức vụ Ủy viên Ban Đón tiếp tập kết, Trưởng ban Đón tiếp tập kết tại cửa biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, góp phần thực hiện tốt việc chuyển quân tập kết, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ để tiến tới thống nhất nước nhà.
Từ tháng 01/1956, đồng chí giữ các chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Việt -Xô, Hà Nội; Ủy viên Đảng đoàn Bộ Y tế, Vụ phó Vụ Vệ sinh dịch tễ; Vụ trưởng Vụ Vệ sinh phòng dịch, Ủy viên Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đồng chí công tác tại Bộ Y tế đến tháng 7/1975 thì nghỉ hưu theo chế độ.
Trở về cuộc sống đời thường, mặc dù tuổi đã cao, nhưng vì yêu cầu nhiệm vụ của địa phương lúc bấy giờ, đồng chí vẫn tham gia công tác, làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghĩa Bình. Sau khi tỉnh Quảng Ngãi được tái lập năm 1989, đồng chí được phân công làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi.
Đồng chí Nguyễn Thành Nghi mất năm 1996, hưởng thọ 82 tuổi.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, đồng chí Nguyễn Thành Nghi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba; truy tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.
Một số hình ảnh
THƯ VIỆN TỔNG HỢP TỈNH QUẢNG NGÃI