Đến với tập tiểu luận phê bình thứ sáu của PGS.TS Trần Hoài Anh, ra mắt bạn đọc cuối năm 2020 có tên là Đi tìm mỹ cảm văn chương với hơn 400 trang sách phê bình, giới thiệu tác giả, tác phẩm dưới góc nhìn “mỹ cảm”, tác giả đã chọn lựa, vận dụng nhiều lý thuyết đương đại để nghiên cứu, bình giải, soi chiếu làm phong phú thêm gương mặt tác giả, tác phẩm trước đây ta từng đọc như: Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn; Đời và thơ Nguyễn Bính trong di sản văn học miền Nam trước 1975; Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ…
Mười ba bài viết ở phần Mỹ cảm văn chương nhìn từ thơ Việt Nam hiện đại có sức cuốn hút bởi chính góc nhìn, góc tiếp cận tác phẩm, tác giả, được sắp xếp đan xen làm cho ta quên đi sự ngăn cách của hai nền văn chương Nam Bắc suốt mấy chục năm ròng đất nước bị cắt chia.
Khi gấp tập sách lại trước mặt, thì thật lạ lùng, gương mặt những Hữu Loan, Hồng Nguyên, Yên Thao, Chính Hữu… trong con mắt phê bình văn học miền Nam trước năm 1975 lại hiện ra, đặc biệt là Quang Dũng anh bộ đội cụ Hồ đã được tôn vinh ngay giữa Sài Gòn thuở ấy, chứng tỏ trong hồn người cầm bút văn chương chưa hề bị chia cắt.
Tuyết Ngân