Suốt 16 năm (1959-1975), hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến,… từ mọi miền quê khắp cả nước đã đóng góp sức lực, trí tuệ, máu xương để làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại. Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là cầu nối giữa hậu phương chiến lược miền Bắc với các chiến trường miền Nam, truyền tải sức mạnh hậu phương lớn tới tiền tuyến lớn, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời, là nơi đối đầu giữa ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam với những thủ đoạn xảo quyệt và nền công nghệ quân sự tối tân của đế quốc Mỹ. Và thắng lợi cuối cùng đã thuộc về nhân dân Việt Nam.
Hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa, sự sống đã hồi sinh mạnh mẽ trên chiến trường xưa. Nhiều chiến sĩ Trường Sơn trở về đã tiếp tục có mặt ở nhiều lĩnh vực trong công cuộc dựng xây đất nước, tạo lập cuộc sống mới. Từ chiến trường tiến tới công trường, hay trở về với ruộng vườn, rừng, biển,… Ở nơi đâu, những tập thể, hay những người lính “Trường Sơn một thuở” vẫn thể hiện được truyền thống của Bộ đội cụ Hồ, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho công cuộc dựng xây đất nước.
Góp phần khẳng định lịch sử giữa quá khứ với hiện tại và tương lai; tôn vinh những cựu chiến binh Trường Sơn trên mặt trận mới, cuốn sách “Bộ đội Trường Sơn ngày ấy – bây giờ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2010, sách dày 212 là những trang sử có giá trị nhằm tri ân, ghi nhận các chiến công của những người lính Trường Sơn là bài học cao quý để thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.
Vân Trà