CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH QUẢNG NGÃI (01/7/1989 – 01/7/ 2024)

0
113

  

Ảnh ghép các trang họa đồ địa hạt phủ Quảng Ngãi (chưa đầy đủ) trong sách Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh ((1734-1785). Các chữ quốc ngữ dịch đính vào là do TS Lê Sơn thực hiện. 

   

 

   Quảng Ngãi xưa vốn là đất Cổ Lũy động, đến thời nhà Hồ, năm 1402, Cổ Lũy động chia thành châu Tư và châu Nghĩa trực thuộc Thăng Hoa. Năm Hồng Đức thứ hai (1471), vua Lê Thánh Tông thu phục và hợp nhất hai châu thành phủ Tư Nghĩa.

   Năm 1602, đời vua Lê Kính Tông, Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa. Năm 1776, nhà Tây Sơn đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1805, vua Gia Long đổi phủ Hòa Nghĩa thành phủ Tư Nghĩa, đồng thời đặt ra dinh Quảng Nghĩa, đến năm 1808 lại đổi thành trấn Quảng Nghĩa. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Quảng Nghĩa thành tỉnh Quảng Nghĩa. Trong thời thuộc Pháp, tỉnh có tên gọi là Quảng Ngãi. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến trước ngày bầu cử Quốc hội khóa I (06/01/1946), tỉnh có tên gọi Lê Trung Đình, sau đó trở lại tên tỉnh Quảng Ngãi. Đến cuối năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình.

   Ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Nghĩa Bình để tái lập tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Như vậy, sau 14 năm hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi chính thức tái lập từ ngày 01/7/1989. Việc hợp nhất Quảng Ngãi với Bình Định cũng như việc tái lập tỉnh cũ là do yêu cầu khách quan của lịch sử và là chủ trương chung của Đảng, Chính phủ trong phạm vi toàn quốc; cũng là nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh.

   Hiện  nay, tỉnh Quảng Ngãi có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: 01 thành phố Quảng Ngãi, 01 thị xã Đức Phổ và 11 huyện (huyện đảo Lý Sơn; 5 huyện đồng bằng Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức; 5 huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây) với 173 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 17 phường, 8 thị trấn và 148 xã, có các dân tộc Kinh, Hrê, Cor, Cadong sinh sống.

   Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi của toàn thể Nhân dân sau 35 năm tái lập tỉnh, Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi cũng đoạt những thành tựu đáng kể, góp phần cùng với các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, nguồn tài nguyên thông tin thư viện có hơn 220.000 đơn vị bảo quản (so với năm 1989 là 25.000); 07 kho tài liệu gồm các kho: Nghiên cứu, Thiếu nhi, Báo – Tạp chí; Luân chuyển; kho Mượn – Đọc và kho Địa chí. Bản quyền truy cập điện tử trên 1.500.000 tài liệu tại Website http://thuvienquangngai.vn. Thực hiện số hóa 156 tài liệu địa chí phục vụ bạn đọc và tải miễn phí. Hiện nay, Thư viện có số biên chế 15 người và 01 hợp đồng lao động theo Nghị định Số 111 (so với năm 1989 là 4 người).

   Công tác sưu tầm, xử lý, bổ sung tài liệu của Thư viện luôn được quan tâm đầu tư, nhất là nguồn sách báo, tạp chí do các tác giả trong tỉnh nghiên cứu, xuất bản. Điển hình  như một số tác phẩm có giá trị tiêu biểu của tỉnh, như sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 1930-1975). Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2019; Địa chí Quảng Ngãi. Nxb. Từ điển Bách khoa, năm 2008; Biên niên các sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 1930-2020). Nxb. Thông tin và Truyền thông, năm 2020; Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi sự kiện và ý nghĩa. Nxb. Khoa học Xã hội, năm 2019; Di sản Hán Nôm ở Quảng Ngãi – Các loại hình và giá trị đặc trưng, Nxb. Khoa học Xã hội, năm 2020; Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor, tổng thể và những giá trị đặc trưng, Nxb. Đà Nẵng, năm 2009; Biển đảo Quảng Ngãi – Lịch sử, kinh tế, văn hóa, Nxb Lao động, năm 2013; Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo. Nxb Dân Trí, năm 2017; Văn hóa dân gian huyện đảo Phú Quốc và Lý Sơn. Nxb Văn hóa dân tộc, năm 2012,…

   Ngoài những nguồn tài liệu địa chí có giá trị, Thư viện Tổng hợp còn phối hợp với các Trung tâm lưu trữ Quốc gia để sưu tầm những tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm về văn hóa, lịch sử và con người Quảng Ngãi nhằm phục vụ học tập, nghiên cứu và phát triển văn hóa đọc cho nhân dân.

   Trải qua 35 năm tái lập, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là một thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học, xử lý, lưu giữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của Nhân dân trong tỉnh.

Minh Tuấn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây