Từ xưa đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia ở trong nước và trên thế giới viết về biển, đảo Việt Nam và nêu ra khá nhiều luận điểm, luận cứ chứng minh chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Trong đó có ông Nguyễn Đình Đầu – người chuyên nghiên cứu về lịch sử, địa lí đã góp mặt nhiều công trình nổi tiếng về lãnh thổ Việt Nam. Ông chính là tác giả cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa” được thực hiện từ năm 2014, qua lời mời của PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc trường Đại học Quốc gia TP.HCM, với mong muốn cung cấp cho độc giả tài liệu tham khảo lịch sử, đồ bản một cách tổng quát nhất về lịch sử biển Đông và chủ quyền trên hai quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Nội dung cuốn sách gồm 08 chương, kể cả hình ảnh minh họa. Tác giả nêu tóm tắt về lịch sử Nam tiến, quá trình hình thành đất nước ta từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các xứ quân, xưng Hoàng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt, cho đến khi thực dân Pháp đô hộ năm 1885. Kế đến là phần khái quát về biển Đông, tọa độ, vị trí địa lý, ranh giới tiếp giáp.
Lịch sử biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa thời Hậu Lê, thời Chúa Nguyễn và Tây Sơn được nêu khá đầy đủ những cơ sở pháp lý qua các tư liều và bản đồ cổ. Câu hỏi về bản đồ Alexandre de Rhodes – 1650 có phải là vẽ theo bản đồ Hồng Đức năm 1490 không? Nhưng lại có ghi về địa điểm Hoàng Sa? trích từ bản đồ Võ Bị Chí. Những ghi chép của Lê Quý Đôn về chính quyền Đàng Trong đã khẳng định các chúa Nguyễn đã làm chủ Hoàng Sa – Trường Sa từ xưa. Bản đồ thế giới của Ricci năm 1602 có ghi nước An Nam và Vạn Lý Trường Sa. Trong các sách như Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá; Bình nam đồ một tài liệu có quan tâm nhiều đến biển Đông; Bài Hải Môn ca; cho đến các nhà hàng hải, các tu sĩ Phật giáo, Công giáo đều công nhận các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), giới thiệu các châu bản triều Nguyễn mô tả về Hoàng Sa – Trường Sa; Thông quốc duyên cách hải chủ; những nhận định về Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1938; các bản đồ cùng khẳng định Việt Nam là một cường quốc và Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa dưới thời Pháp thuộc. Giới thiệu các bản đồ vẽ về bờ biển và những đảo cận duyên. Các tư liệu và bản đồ Hoàng Sa – Trường Sa thời Pháp thuộc. Những nội dung lịch sử, bản đồ, các căn cứ pháp lý, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, chủ quyền trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa từ 1945 – 1975 cho đến nay. Các bản đồ cổ và tư liệu phương Tây từ năm 1825 đều chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Đông thời, nội dung sách còn nói đến những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa một cách phi lý của các thế lực.
Hình ảnh trên trang bìa đầu của cuốn sách thể hiện bản đồ nước Cochinchina (Giao Chỉ giáp Tần) tức Đại Việt trong vùng India Orientalis (Đông Ấn). Trích tác giả Mercator – 1613. Hình ảnh bìa sau là bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ – 1838 thể hiện một cách khá rõ về biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, kèm theo đó là bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt; một đoạn thơ trong bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi; những câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về non sông nước ta, như câu “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”./.
Kim Hoàng