Tôi đã đọc cuốn sách này rồi, các bạn đã có sách đọc chưa? Và có bao giờ các bạn đã đọc một cuốn sách dày đến 447 trang? Chắc đã có rất nhiều người đọc rồi đúng không? Đọc sách cũng như một hành trình leo núi hay chạy marathon để chinh phục chính mình vậy.
Đọc cuốn sách này tôi nhớ một nội dung khá quan trọng. Đó là, sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, sang năm 1946 thực dân Pháp lại đặc ách đô hộ nhân dân ta một lần nữa. Chúng đã gây ra chiến tranh và trong tình hình đó dân ta chỉ có thể lựa chọn một con đường: Hoặc là nhượng bộ cho địch để rồi làm thân trâu ngựa, đó là con đường dễ dàng như lăn xuống dốc. Hoặc quyết tâm kháng chiến để giữ lấy độc lập, tự do; con đường này rất gian khổ, như trèo núi cao. Nhân dân ta đã chọn con đường khó và quyết tâm kháng chiến. Cũng chính vì nhờ lý tưởng cách mạng đó, cho nên đứng trước các cường quốc Pháp, Mỹ hùng mạnh, cho dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, quân và dân ta cũng đã đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Nhớ lại khi bàn về kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Đại tướng: “Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”, Đại tướng trả lời: “Thưa bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Cuốn sách đã đăng khá nhiều thư của Bác, tôi chỉ đăng lại nội dung một bức thư mà Bác Hồ gửi cho quân và dân Tây Bắc sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), xin được trích toàn văn như sau:
“Thân gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ. Nhân dịp có phái đoàn Chính phủ lên Tây Bắc, tôi thân ái gửi lời thăm toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ. Trước kia, đồng bào, bộ đội và cán bộ đã anh dũng tham gia đánh đuổi giặc Tây. Ngày nay đã được giải phóng, chúng ta cần phải ra sức củng cố và phát triển thắng lợi. Vậy: Đồng bào ta phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, tăng gia sản xuất để mọi người được no cơm, ấm áo và phải ra sức tham gia kháng chiến. Bộ đội phải thi đua học tập giúp đỡ đồng bào, liên hệ chặt chẽ với nhân dân để quét sạch thổ phỉ và mật thám; và phải luôn sẵn sàng xung phong diệt giặc lập công, khi được lệnh thì đi chiến đấu. Cán bộ phải hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, phải đi đúng đường lối của quần chúng, làm đúng chính sách của Chính phủ và phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào và bộ đội ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia cuộc kháng chiến để cùng đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn quốc đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Tôi riêng gửi lời thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.
Chào thân ái và quyết thắng”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cuộc chiến của đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp trong nhiều tỉnh thành của cả nước. Lần này, nhân kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/2021), xin trân trọng giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ” của Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, cũng là đóng góp một phần tinh thần cho độc giả sẽ cố gắng lên nữa để vượt qua đại dịch lần này.
Độc giả có thể đọc sách trên website Thư viện số của Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi.
Văn Nhân