DẤU ẤN VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG

0
525

   Biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta.

   Thế giới đang bước vào “kỷ nguyên đại dương”, “vươn ra biển” đã trở thành xu thế chủ đạo của các quốc gia có biển. Đối với Việt Nam, biển đóng một vai trò quan trọng trong quá trình mở cửa để hội nhập cùng thế giới. Lòng biển, đáy biển và mặt biển chứa đựng những nguồn tài nguyên lớn và hết sức đa dạng, cung cấp cho nước ta nguồn thực phẩm, nguyên, nhiên liệu, năng lượng phong phú và ngày càng trở nên thiết yếu cho sự phát trìển của đất nước trong cả hiện tại và tương lai.

   “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” lược lại cụ thể quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn đến thời chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và đổi mới, hội nhập đất nước…

   Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

   “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải  biết giữ gìn lấy nó”.

   “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” được nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2012, 398 trang, khổ 16 x 24 cm. Cuốn sách góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến với mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn, khách quan của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề tranh chấp, trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền, các quyền, lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông và trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.

   Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” gồm 4 chương: Chương 1: Vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam trong Biển Đông; Chương 2: Việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; Chương 3: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; Chương 4: Tranh chấp Biển Đông: Thực trạng và giải pháp. Ngoài ra còn có phần phụ lục: Các văn bản chính thức của nhà nước Việt Nam về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; các bài nghiên cứu về Biển Đông của các nhà khoa học.

   Cuốn sách trình bày và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản nhất của luật biển quốc tế về thềm lục địa như: Khái niệm khoa học địa chất, khoa học pháp lý về thềm lục địa, quy chế pháp lý của thềm lục địa, xác định ranh giới của thềm lục địa theo quy định của pháp luật quốc tế, quy trình chung thực hiện việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý theo quy tắc của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, phân định thềm lục địa của các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, quy chế pháp lý và vai trò của các đảo trong xác định ranh giới thềm lục địa, vấn đề xác định thềm lục địa theo pháp luật và thực tiễn Việt Nam.

   Bên cạnh đó, cuốn sách còn phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về thềm lục địa của một số quốc gia trên thế giới thông qua các án lệ điển hình của cơ quan tài phán quốc tế.

Vân Trà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây