Văn hóa đọc trước sức ép công nghệ
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh như hiện nay, nhiều loại hình giải trí được cập nhật hằng ngày thông qua các mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube,Twitter, Instagram… và các loại hình vui chơi, giải trí khác ngày càng lất át thói đọc sách. Phải chăng những điều trên đã làm cho văn hóa đọc sách bị mờ nhạt đi trong tiềm thức của mỗi người.
Theo một thống kê gần đây, Việt Nam có 58 triệu người dùng facebook, là nước có số lượng người dùng facebook lớn thứ 7 trên thế giới. Và nếu có một con số thống kê về thời gian trong ngày mà người Việt dành để sử dụng facebook thì chắc hẳn đó cũng sẽ là con số vô cùng “ấn tượng”. Nhưng, cũng có một thống kê khác về sách, người Việt chỉ đọc trung bình 1 quyển sách/ 1 năm. Một con số khiêm tốn bên cạnh sự phát triển của người sử dụng mạng xã hội.
Tổng hợp các thống kê mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thu được sau khảo sát thực hiện cùng năm cho thấy: có đến 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng mới đọc và tỷ lệ có đọc thường xuyên chỉ đạt 30%.
Tại sao sức đọc của người Việt Nam lại quá thấp như vậy? Vì người Việt Nam chưa có thói quen đọc sách. Cộng đồng chưa có một văn hóa đọc được nuôi dưỡng và phát triển từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. Người Việt chưa xây dựng được một văn hóa đọc theo tính hệ thống lâu dài, bền vững và phát triển theo dòng chảy của xã hội.
Vấn đề này được Giáo sư Chu Hảo khẳng định trong một bài viết “Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc”. Tại hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2008, và câu chuyện phải làm sao để người Việt có văn hóa đọc vẫn làm người trăn trở.
Tại sao cộng đồng Việt Nam không có thói quen đọc sách? Là bởi từ ngày nhỏ hầu hết trẻ em Việt chưa được tạo dựng thói quen hữu ích này. Từ trước đến nay, đa số các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc sách đều hướng tới các đối tượng trẻ, các sự kiện theo tính chất xã hội và ngầm mặc định nhiệm vụ của nhà trường.
Tuy nhiên, chúng ta quên đi một nhân tố quan trọng để xây dựng một xã học đọc sách là gia đình. Chính mỗi mái nhà là nơi nuôi dưỡng những mầm non yêu sách, ham đọc ngay từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành. Và cũng chính từ gia đình là nơi tiếp tục truyền lửa văn hóa đọc theo tính chu kỳ tuần hoàn với mỗi đời người.
Thắp lửa trong mỗi gia đình
Người xưa từng nói: “Trong sách có nhà vàng, trong sách có người đẹp”, mặc dù cách nói này về mặt chữ nghĩa có phần khoa trương và thực dụng nhưng không thể phủ nhận ở góc độ nào đó đã nói rõ tầm quan trọng của sách vở đối với mỗi người và với cả nhân loại. Đồng thời, trong quá trình thực tiễn cũng cho thấy học vấn, kiến thức chính là hạt giống nảy mầm cho sự thành công và hạnh phúc. Thế nhưng hạt giống ấy có từ đâu? đó chính là việc đọc sách.
Tác giả cuốn sách “Nuôi dạy đứa trẻ thích đọc sách”, ông Doãn Kiến Lợi cho rằng một đứa trẻ đọc sách có thể không phải là đứa trẻ thành công nhất nhưng sẽ giúp con trở nên không xấu tính. Bởi vì một khi chúng có thói quen đọc sách, tức là đã hấp thụ được nguồn năng lượng tích cực, sách vở đã tưới nguồn tốt đẹp vào tâm hồn con, giúp con nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp.
Tạo cho trẻ thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. |
Việc đọc khiến chúng ta nhìn thấy thế giới, nhìn thấy người khác, cũng có thể khiến con người nhìn thấy bản thân từ ngoài vào trong. Khi một người có thể nhìn thấy bản thân mình họ sẽ tự động bước vào quá trình sửa chữa, và trở lên có sức mạnh hơn, đây chính là tự mình hoàn thiện và tự mình trưởng thành.
Theo nhà tâm lý giáo dục nổi tiếng Jean Piaget, trí thông minh của con người không phải là bất biến và quá trình phát triển nhận thức của trẻ là do sự phát triển nội tại của cơ thể và sự tương tác không ngừng với môi trường bên ngoài, trong đó những giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời sẽ tạo nền tảng cho những giai đoạn tiếp theo. Những nghiên cứu khoa học này đều cho thấy sự ảnh hưởng to lớn của những môi trường đầu tiên đối với sự hình thành năng lực và nhân cách một con người.
Vì vậy, để hình thành thói quen đọc sách mang tính “bền vững” phải đặt những viên gạch đầu tiên từ chính gia đình mỗi chúng ta. Mỗi đứa trẻ khi lớn lên, được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ sớm sẽ giúp chúng hình thành tính cách này đến lúc trưởng thành.
Do vậy muốn phát triển văn hóa đọc phải đi vào cốt lõi của vấn đề đó là phải làm sao tạo dựng cho được thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ. Nếu chúng ta không tìm cách hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ bây giờ thì sau khi lớn lên khó tạo lập được thói quen này.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong bài tham luận gửi về cho ban tổ chức một tọa đàm về sách cho rằng: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả ‘khám phá kho báu tri thức’ hay ‘nâng cao văn hóa đọc’ như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.
Gia đình là môi trường tuyệt vời để hình thành lên một thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ. Khi chúng được giáo dục từ lúc bắt đầu biết tư duy đến giai đoạn hình thành những thói quen và phát triển tính cách sẽ là cơ hội tốt để bồi đắp niềm đam mê đọc sách cho trẻ. Khi có một tiền đề tốt từ gia đình giúp chúng phát huy tối đa các thói quen đó lúc trưởng thành.
Mỗi gia đình cũng cần xây dựng một cộng đồng đọc xung quanh đứa trẻ. Người lớn là tấm gương phản chiếu của trẻ em. Muốn trẻ ham mê đọc sách, bản thân bố mẹ phải là người có thói quen đó. Cùng đọc sách với con, giúp con hiểu và thích sách là một nỗ lực của cả gia đình. Trẻ con sẽ học một cách vô thức thông qua bắt chước. Vì vậy, chính bố mẹ là “tấm gương” để con trẻ học tập và noi theo. Vì vậy, chính bản thân phụ huynh cũng cần xây dựng cho mình thói quen đọc sách.
Thay vì đến nhà sách và “quẳng” con với đống đồ chơi và mình ngồi lướt smartphone thì hãy cùng con đi chọn sách. Thay vì một buổi tối giải trí bằng game, laptop… hãy ngồi đọc sách cùng con. Thay vì tặng con hoặc thưởng cho một món đồ chơi hãy tặng con cuốn sách phù hợp với lứa tuổi để trẻ tự đọc, khám phá và tư duy những vấn đề từ sách.
Khi xung quanh trẻ có không gian gợi mở nhiều về sách, dần dần giúp các bé có sự gần gũi, sự tò mò nhiều hơn về sách. Vì vậy, mỗi gia đình nên có tủ sách chung dành cho tất cả các thành viên. Xây dựng một khung giờ chung để đọc sách, một ngày chung để chia sẻ các cuốn sách của bản thân mình.
Đọc sách không chỉ là đọc những gì trong sách viết cho con nghe mà mỗi phụ huynh cần từ sách gợi mở cho con thế giới khác. Tạo thói quen không chỉ đơn thuần bắt con đọc quyển này, quyển kia mà cần hình thành cho trẻ sự giác, kích thích tình yêu ham đọc của các bé.
Ghi nhận và động viên con bằng những phản hồi tích cực: “Hôm nay con thật cừ, chỉ trong một buổi sáng đã đọc hết 2 chương sách về động vật hoang dã”. Điều này, giúp trẻ thấy được sự khích lệ, đồng hành từ bố mẹ, giúp não bộ sản sinh ra những hoocmon tích cực, khơi dậy cảm giác tự tin và hứng thú với việc đọc sách.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, văn hóa đọc trong mỗi gia đình đang có nhiều thách thức. Sự phát triển mạnh của công nghệ, sự xuất hiện tràn lan của các phương tiện giải trí như youtube, facbook, tiktok…hay sự thiếu hụt về thời gian chăm sóc con cái của cha mẹ, do áp lực ngày càng lớn của công việc.. khiến thói quen đọc sách bị mờ nhạt dần. Ít gia đình hình thành được một thói quen lâu dài và bền chặt cho các thành viên của mình với việc đọc sách. Nhưng, nếu chúng ta không làm ngay, văn hóa đọc trong mỗi cá thể của xã hội sẽ không thể phát triển.
Vì vậy, vai trò của mỗi gia đình trong hành trình xây dựng một văn hóa đọc bền vững vô cùng quan trọng. Thành hay bại, tất cả đều ở sự quyết tâm, đồng lòng và công sức của mỗi gia đình trong xã hội.