Giỗ Tổ Hùng Vương, hay lễ hội Đền Hùng là ngày Quốc giỗ của người Việt để tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hằng năm vào mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm và tôn kính. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 06/12/2012..
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”. Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10 tháng 3 âm lịch, Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu đến quý độc giả một số ấn phẩm tiêu biểu, đó là:
-
Cuốn sách “Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc Phả Sưu Khảo” do nhóm nghiên cứu di sản văn hóa đền miếu Việt gồm Nguyễn Đức Tố Lưu, Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Hưng thực hiện, Nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2020. Nội dung sách cung cấp nhiều tư liệu phong phú được lưu tại ngôi đền cổ “Hùng Vương từ” tại thôn Vân Luông, thành phố Việt Trì. Bộ tư liệu bao gồm các phần “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyễn”, “Hùng Vương tự lệ”, Nam Việt Hùng Thị sử ký”, “Văn chào”, “các sắc phong” của đền Vân Luông.
Cuốn sách “ Huyền thoại dòng họ và các vị vua từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh làm nên lịch sử đất Việt”, do Ngọc Dung và Thu Hường sưu tầm, biên soạn. Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2013. Nội dung sách khắc họa sâu sắc hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, với 7 phần: 1. Thời kỳ dựng nước, 2. Thời kỳ Bắc thuộc, 3. Thời kỳ độc lập, 4. Thời kỳ Nam – Bắc triều, 5. Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, 6. Thời kỳ phong kiến tái thống nhất, 7. Thời kỳ đấu tranh cách mạng, giải phóng và thống nhất đất nước.
Cuốn sách “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan ở Phú Thọ” của TS Nguyễn Đắc Thủy, do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2019. Tập sách cung cấp những tư liệu có tính lý luận, giúp các nhà quản lý văn hóa định hướng và thực thi chính sách bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thư viện Tổng hợp tỉnh trân trọng giới thiệu./.
Phòng HC-TH