Khi được hỏi “Ông làm nghề gì?”, tác giả Robert Fulghum luôn trả lời rằng ông là một triết gia và giải thích rằng công việc mà ông yêu thích là suy nghĩ về những điều bình thường và bày tỏ suy nghĩ của mình qua những cuốn sách.
Thật vậy, trong “Góc nhìn của người thông thái”, một câu chuyện tưởng chừng hết sức bình thường và đơn giản như “Bộ sưu tập trên cánh cửa tủ lạnh… nhưng với góc nhìn của mình, Fulghum đưa ra nhận xét tinh tế và sâu sắc: “Khi bạn không còn được nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật mới bổ sung vào bộ sưu tập trên cánh cửa tủ lạnh, điều đó đánh dấu sự trưởng thành của con cái bạn. Vài năm sau đó, khi tủ lạnh nhà bạn lại đầy ắp những tác phẩm nghệ thuật mới, nghĩa là con cái của bạn đã trở thành những bậc phụ huynh. Khi đã lên chức ông, chức bà, bạn sẽ càng say mê hơn với các tác phẩm nghệ thuật trên cánh cửa tủ lạnh và sẵn sàng dán lên đó bất cứ thứ gì mà lũ cháu nội, ngoại yêu cầu.”
Fulghum đưa ra vấn đề, và không ai khác là chính bạn phải có câu trả lời cho riêng mình. Những mẩu chuyện dung dị dưới nhãn quan rộng mở của Fulghum trong “Góc nhìn của người thông thái” đã được viết bằng một phong cách gần gũi và khiêm nhường, dí dỏm và hấp dẫn với sự thông thái của riêng ông. “Góc nhìn của người thông thái” đem lại cảm giác ấm áp như thể ta đang ngồi dưới mái hiên nhà bà mình vào một chiều chủ nhật, thong thả nhấm nháp từng ngụm kem mát lành…
Cuốn sách “Góc nhìn của người thông thái”, do Phan Quang – Xuân Dung dịch, nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019.
Hữu Vương