Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc thống nhất, gồm 54 dân tộc cùng tồn tại và phát triển trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong đó, 53 dân tộc thiểu sô cư trú chủ yếu ở khu vực biên giới đất liền, miền núi và vùng trung du đã và đang sáng tạo nên rất nhiều nét văn hóa độc đáo trong cuộc sống hàng ngày, trong lao động sản xuất dựng xây đất nước.
Phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số là một bức tranh rực rỡ sắc màu, các mảng khối đậm đà kết lại hài hòa và vô cùng sinh động, phản ánh sự tôn vinh giá trị con người, tình yêu thương, sự gắn kết con người trong cộng đồng dân tộc; đồng thời củng nói lên trình độ tiến bộ xã hội, những quan niệm về thế giới và con người qua những thời kỳ lịch sử.
Cuốn sách Góp phần tìm hiểu một số phong tục tập quán các dân tộc thiểu số ở Việt Nam do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2016 với sách dày 242 trang là tập hợp có chọn lọc các bài viết giúp bạn đọc hiểu thêm về phong tục tập quán của mốt số dân tộc thiểu số ở nước ta. Sách được bố cục nội dung theo các tiêu mục: Phong tục tập quán trong đón Tết; Tập quán dùng lịch của người Khmer và người Chăm; Phong tục tập quán trong gia đình; Phong tục tập quán trong sinh hoạt cộng đồng; Giải thích sự vật, hiện tượng và lời răn bằng truyện cổ và luật tục; Phong tục tập quá n trong sinh nở, cưới hỏi và tang ma; Phong tục tập quán trong sản xuất, canh tác…
Hy vọng cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những tư liệu quý. Thư viện Tổng hợp tỉnh xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách này.
Vân Trà