Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được các học giả trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu từ sau sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý. Chủ đề này càng có sức thu hút mạnh mẽ từ tháng 5 năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Công việc nghiên cứu và công bố về Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đẩy mạnh trên mọi phương diện, từ sưu tầm tư liệu, điều tra khảo sát thực địa cho đến nghiên cứu khoa học. Công việc nghiên cứu không dừng lại về lịch sử chiếm hữu và xác lập chủ quyền của Việt Nam, các bằng chứng lịch sử và pháp lý của Việt Nam mà còn nghiên cứu và phê phán các luận cứ sai trái của Trung Quốc. Từ kết quả đó nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học và các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình… Có nhiều chuyên đề nghiên cứu khá sâu, trong số đó có tác phẩm “Hoàng Sa, Trường Sa Chủ quyền của Việt nam: Tư liệu và sự thật lịch sử” của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, được Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2022.
Cuốn sách đã cung cấp những chứng cứ khoa học vững chắc, trong đó có những chứng cứ lịch sử và những chứng cứ lịch sử – pháp lý, khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo này đồng thời cuốn sách còn trình bày những tranh chấp, tranh biện về chủ quyền hai quần đảo do Trung Quốc dấy lên từ năm 1909 cùng những hành động xâm lược và mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ năm 1946 cho đến nay.
“Hoàng Sa, Trường Sa Chủ quyền của Việt nam: Tư liệu và sự thật lịch sử” là công trình được nghiên cứu rất công phu và có hệ thống, hy vọng rằng cuốn sách sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo giữa Biển Đông.
Minh Nghìn