HỒI KÝ VỀ CÁC TƯỚNG LĨNH QUẢNG NGÃI

0
36

   Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách về tướng lĩnh của tỉnh Quảng Ngãi.  

Hầu hết các vị tướng lĩnh ở Quảng Ngãi đều viết hồi ký, ghi lại cảm xúc chân thật của mình về một thời sẻ dọc Trường Sơn cứu nước nhưng cũng có người viết hồi ký về các vị tướng lĩnh ấy như một lời tri ân. Hồi ký chiến tranh cách mạng là nguồn thông tin có giá trị bởi nó ghi lại sự việc thật, cảm xúc thật, đôi lúc là người trong cuộc. Hồi ký về các tướng lĩnh có thể là một trận đánh, một chiến dịch hay một chủ trương, một việc làm có nhiều ý nghĩa đã trải qua trong chính cuộc đời của các vị tướng ấy.

   Cuốn hồi ký “Bình minh Ba Tơ” của Trung tướng Nguyễn Đôn, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1994, tác giả đã viết mấy lời tâm sự như sau: “Trong ngày kỷ niệm 40 năm khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945 – 11/3/1985) các đồng chí tham gia cuộc khởi nghĩa và đông đảo anh em trong đội du kích cứu quốc Ba Tơ được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh mời về dự lễ khánh thành Tượng đài kỷ niệm khởi nghĩa Ba Tơ và nhà bảo tàng lịch sử. Anh em đã ngỏ ý cần có một tập hồi ký viết rõ những sự kiện và quá trình xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng, từ 17 chiến sỹ cách mạng thành hai đại đội (Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám) tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, rồi chuyển thành giải phóng quân tham chiến trên các chiến trường trong những tháng năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi đã tìm lại ký ức của mình, lược biên và nhờ ghi chép lại tập hồi ký này để góp phần tư liệu phục vụ kỷ niệm lần thứ 50 khởi nghĩa Ba Tơ đã đáp ứng lòng mong muốn ấy”.

   Cuốn hồi ký “Trung tướng Phạm Kiệt  – Từ núi rừng Ba Tơ” do Lương Sĩ Cầm thể hiện, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2003. Nội dung hồi ký là những câu chuyện kể về tướng Phạm Kiệt ở Căng an trí Ba Tơ và cuộc khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử. Trong sách có thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Ban tổ chức buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm Trung tướng Phạm Kiệt và đội du kích Ba Tơ. Trong thư có đoạn viết về ý kiến góp ý của Trung tướng Phạm Kiệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “Trong lúc toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày; sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không có ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt: ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh xác từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”. Anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn nói lên sự thật, không chút ngần ngại. Anh để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính và bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.

   Hồi ức “Thiếu tướng Võ Bẩm – Những nẻo đường kháng chiến”, Duy Tường thể hiện, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2006. Cuốn sách tái hiện vẹn đầy, sinh động nửa thế kỷ ông đi theo Đảng, theo Bác Hồ, sống và chiến đấu bằng tất cả nhiệt huyết và nghị lực; nhất là những năm tháng ông chỉ huy Đoàn 559 mở đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Võ Bẩm là một vị tướng thể hiện ý chí kiên cường, bền gan chiến đấu, nhớ về nhiệt huyết cách mạng, về sự hy sinh xương máu của cha ông, của những lớp người đi trước để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhớ về Thiếu tướng Võ Bẩm là nhớ về sự tiên phong, mở đường vượt núi, vượt biển, với các phần: Tuổi thơ và những ngày đầu theo Đảng, kháng chiến chín năm vào Nam ra Bắc, mở đường Trường Sơn – Đường mang tên Bác… Tất cả vì một lẽ rất tự nhiên của trái tim yêu nước.

   Từ những hồi ký chân thật về các vấn đề xảy ra trong cuộc chiến của các vị tướng, đều là những bài học quý báu cho cuộc sống, lao động, học tập của chúng ta hôm nay. Chiến tranh đã vốn khốc liệt nhưng chiến tranh cũng làm con người bộc lộ lý tưởng, ý chí, kiên cường, đó là chiến tranh trong hòa bình, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cũng nên đọc về những cuốn hồi ký ấy./.

Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây