Nếu là người Việt Nam, ở đâu, làm gì, có lẽ ai cũng nhớ đến sự kiện ngày 1/5/2014 Trung Quốc đã bất chấp, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 cùng 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống vào sâu hơn 80 hải lý trong Thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Những hành động phí lý, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền Việt Nam đã được dư luận trong nước và trên thế giới phản đối cực lực. Về phía Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngày giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không đáp ứng yêu cầu của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và dùng sức mạnh gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar được diễn ra, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra những ứng sử trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết, trong đó có nêu quan điểm: “Việt Nam đặc biệt coi trọng và làm hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc, Việt Nam mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ổn định của khu vực và thế giới. Song, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế”.
Cuốn sách do nhóm biên soạn Nguyễn Đức Cường, Phạm Lan Hương, Nguyễn Thị Nguyên cất công sưu tầm, tuyển chọn, biên tập tổng cộng 45 bài nghiên cứu về những nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung cuốn sách gồm có 04 phần và phụ lục. Phần 1 là nội dung những bài viết phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Phần 2, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Phần 3, nêu ra những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Phần 4, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cuối cùng, phần Phụ lục là bản Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển được thông qua vào ngày 10/12/1982. Đây là bản dịch tiếng Việt của Bộ Ngoại giao. Sách dày 407 trang, trang bìa thiết kế bằng hình ảnh cột mốc tọa độ đảo Trường Sa và người lính hải quân đang cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành vào năm 2014, được xem là một công trình khảo cứu lịch sử có giá trị. Cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan về những hành động sai trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc đối với việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông./.
Kim Hoàng