Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến toàn thể nhân dân Việt Nam đứng lên chống giặc cứu nước. Đó là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Dù 78 năm trôi qua nhưng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh: Bút tích “Lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946
Sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 giành độc lập dân tộc. Đây là sự kiện quan trọng, là bước chuyển của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam sang giai đoạn mới, phải đối mặt với nhiều thách thức, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động đến lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc, trở thành biểu tượng lớn của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Người nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
…Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, xuỗng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”…
Quyết định của Đảng và Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống giặc, cứu nước đáp ứng đòi hỏi khách quan của lịch sử và nguyện vọng của nhân dân lúc bấy giờ. Một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, không có con đường nào khác. Nếu không dám chấp nhận cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thì sẽ mất độc lập tự do mới giành được, “độc lập, tự do không thể cầu xin mà có được”.
Nhằm phát huy tinh thần “Ngày toàn quốc kháng chiến” cách đây 78 năm và ghi lại chặng đường lịch sử ấy, Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu đến quý độc giả mọt số tác phẩm:
Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ Tuyên ngôn độc lập đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2006 là tập sách có nhiều nội dung được chọn lọc từ những văn kiện, bài nói của Bác Hồ xoay quanh chủ đề củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngoài ra sách còn trình bày khái quát những diễn biến chính của đất nước từ ngày 2/9/1945 đến cuối năm 1946 và một số tập hồi ức của những người học trò, những cộng sự viết về Bác trong thời điểm lịch sử đặc biệt đó. Cuốn sách là tác phẩm có giá trị lịch sử, giúp độc giả tìm hiều nhiều khía cạnh trong giai đoạn sau cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Cuốn sách “5 tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh – 5 bảo vật quốc gia”, do GS.TS. Hoàng Chí Bảo và TS. Trần Thị Minh Tuyết biên soạn, thuộc bộ sách “Học và làm theo Bác”, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2020, là tài liệu tham khảo hữu ích, góp phần tôn vinh, lan tỏa sâu rộng giá trị, ý nghĩa và sức sống trường tồn của hệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, có 5 tác phẩm đã được công nhận là 5 bảo vật quốc gia, gồm các tác phẩm: Đường cách mệnh, Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc, là những di sản vô giá mà Bác để lại cho dân tộc và nhân loại.
Kỷ niệm 78 năm ngày toàn quốc kháng chiến, xem lại bút tích lời kêu gọi thiêng liêng ấy của Bác đã vang lên trong một quá khứ rất xa nhưng đến nay vẫn vẹn nguyên tinh thần, về khát vọng độc lập, tự do, tự lực, tự cường của dân tộc. Đó chính lời hiệu triệu cho cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên tiếp tục sáng tạo, dũng cảm, kiên trì để cùng Nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục xây dựng đất nước hôm nay đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa./.
Minh Tuấn