MẶT TRẬN ĐƯỜNG 9 – KHE SANH (XUÂN HÈ 1968)

0
733

   Năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, giáng đòn nặng nề vào âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

   Ngày 6 tháng 12 năm 1967, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương về mọi mặt. Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử giữ chức Tư lệnh kiêm Phó Bí thư Đảng ủy. Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Lực lượng tham gia gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh, gồm cả bộ binh, pháo binh, xe tăng, đặc công hải quân,… phối hợp cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, tiến công toàn diện tuyến phòng thủ vững chắc của quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn. Do tính chất quan trọng về quân sự cũng như sự nhạy cảm về chính trị, nên ngay từ khi nhảy vào miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh dọc theo Đường 9 nhằm “ngăn chặn sự xâm lăng từ Bắc Việt Nam”.

   Khi mọi sự chú ý của phía Mỹ đổ dồn vào Khe Sanh, vào ngày 30 -31 tháng 01 năm 1968 (Tết Nguyên đán), quân và dân ta bất ngờ mở cuộc tiến công đồng loạt các đô thị trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ, chính quyền Sài Gòn. Đây thực sự là “đòn sấm sét” táo bạo, bất ngờ làm đảo lộn các kế hoạch chiến tranh của chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson, đồng thời tạo ra sự phản ứng dữ dội trong công chúng Mỹ. Điều đó nói lên tài thao lược, cách dùng binh của Bộ chỉ huy tối cao cách mạng Việt Nam, tập trung lực lượng chủ lực tiến công trực diện vào hệ thống phòng thủ mạnh góp phần làm lạc hướng và thu hút lực lượng đối phương, để rồi sẵn sàng dùng lực lượng chủ lực tinh nhuệ khác đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch, lấy chất lượng cao để thắng số lượng đông.

   Trải qua gần sáu tháng liên tục chiến đấu từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 15 tháng 7 năm 1968, quân và dân Việt Nam trên Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh giành được chiến thắng vang dội: Thực hiện xuất sắc nghi binh chiến lược cho đòn tiến công bất ngờ vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam dịp Tết Mậu Thân 1968; thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận lớn quân cơ động địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường khác đấu tranh; phá vỡ một phần quan trọng tuyến phòng thủ của địch ở phía nam giới tuyến quân sự tạm thời, trong đó có “hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra” (McNamara); góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến của các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao… Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động trên Mặt trận này tiếp tục được quân và dân Việt Nam vận dụng sáng tạo vào cuộc đấu tranh giai đoạn về sau, trực tiếp nhất là Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và vẫn vẹn nguyên giá trị cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

   Cuốn sách Mặt trận đường 9 – Khe Sanh (Xuân hè 1968) do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2018, sách dày 214 trang của tác giả Trần Hữu Huy đã cho chúng ta nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong chiến công lịch sử chung ấy, cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9 – Khe Sanh mùa xuân hè 1968 trở thành một trong những chiến trường tiêu biểu, góp phần khẳng định sức mạnh của ý chí, của bản lĩnh và tầm cao trí tuệ Việt Nam.

   Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu cuốn sách đến quý độc giả.  

Vân Trà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây