Ngày 19/6, tại Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Ngãi tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với nội dung “Ứng dụng tiến bộ KHKT trong khai thác và bảo quản trên sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ”.
Hiện cả nước có trên 31.500 tàu cá đánh bắt xa bờ (tàu có chiều dài từ 15m trở lên) trên tổng số gần 98.000 tàu khai thác thủy sản. Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác hải sản ở nước ta vẫn mang nặng tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, sản phẩm khai thác đưa vào bờ mang hàm lượng khoa học công nghệ không cao, tổn thất sau thu hoạch lớn, ở mức từ 20 – 30%.
Nghề khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ ở Việt Nam vẫn lạc hậu so với các nước trên thế giới. |
Cùng với đó, các trang thiết bị khai thác trên các tàu cá đánh bắt xa bờ chưa đầy đủ nên hạn chế hiệu quả khai thác và an toàn sản xuất. Các tàu chỉ có hầm chứa nước đá, muối và thường chưa đạt tiêu chuẩn cách nhiệt, chưa có hệ thống bảo quản lạnh hiện đại. Đa số các tàu khai thác xa bờ có két chứa dầu, nước ngọt quá nhỏ, không đủ cung cấp cho tàu hoạt động dài ngày trên biển.
Theo ThS. Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng vụ Khai thác thủy sản, trong những năm qua, mặc dù nghề biển nước ta phát triển đáng kể nhưng so với các nước trên thế giới vẫn còn thua kém ở khoảng cách rất xa. Một số nước có nghề cá phát triển như Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc… hầu như không có tàu vỏ gỗ như Việt Nam mà đã phát triển công nghệ thiết kế vỏ tàu tự động và hệ thống bể thử hiện đại. Tàu được đóng mới theo các mẫu tàu nhất định đảm bảo tính đồng bộ, ổn định, an toàn.
Về công nghệ khai thác ở nghề lưới vây khai thác cá ngừ, các nước thường sử dụng tàu có chiều dài dưới 35m, công suất đến 1.500 CV, sử dụng lưới dệt không gút, có chiều dài vàng lưới 1.300 – 1.500m, chiều cao từ 180 – 250m, trên tàu có công tắc để căng lưới, xua đuổi đàn cá. Nghề vây cá ngừ viễn dương tàu dài từ 50 – 80m, công suất tàu từ 2.500 – 4.000 CV, trọng tải từ 700 – 1.200 tấn, lưới có chiều dài đến 3.500m. Nhiều tàu trang bị cả máy bay trực thăng để thăm dò, phát hiện đàn cá, hỗ trợ quá trình thả lưới vây đàn cá.
Các thiết bị kỹ thuật tiên tiến được giới thiệu đến bà con ngư dân tại diễn đàn. |
Về công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác thì một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… sử dụng các thiết bị làm chết nhanh cá ngừ đại dương và hệ thống hạ nhiệt nhanh để hạn chế các quy trình làm giảm chất lượng thịt cá. Nhiều nước trên thế giới sử dụng máy làm đá từ nước biển, không phải dành không gian để lưu giữ đá hay các nước như Mỹ, Israel sử dụng Ni-tơ lỏng để bảo quản sản phẩm. Mỗi con cá ngừ nguyên con được bảo quản trong một hộp Ni-tơ lỏng từ lúc đánh bắt đến khi đưa vào bờ, đảm bảo được chất lượng thịt tốt, giá bán cao.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, hiện nay tài nguyên ngày càng cạn kiệt nhưng kết quả nhưng kết quả khai thác của Việt Nam năm sau vẫn cao hơn năm trước, chứng tỏ việc ứng dụng KHCN của bà con đã có bước phát triển mới. Và ngư dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao sản lượng cũng như hiệu quả trong khai thác, xuất khẩu.
“Có thể kể ra các tiến bộ KHKT mà ngư dân ứng dụng là tời thủy lực, giảm được nhân công, máy dò ngang để phát hiện đàn cá ở dưới đáy, dùng đèn led để tiết kiệm năng lượng khi chở dầu nhiều quá, ứng dụng trong hầm bảo quản, chất lượng sản phẩm tăng lên. Trước đây chất lượng giảm từ 20 – 30% thì bây giờ giảm dưới 15%, tăng được giá bán”, ông Tiêu nói.
Cũng theo ông Tiêu, tại diễn đàn này có các báo cáo khoa học của trường, viện nghiên cứu, các kết quả mới nhất đã ứng dụng đem lại hiệu quả cho bà con mà đã triển khai lắp thí điểm tại 130 tàu trên 17 tỉnh của 28 tỉnh ven biển. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ KHKT trong khai thác thì trước hết các cơ quan quản lý vừa vận động vừa tuyên truyền, thuyết phục, xây dựng mô hình để bà con đến học tập, làm theo…