Bảo tồn làng nghề truyền thống không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn, mà còn là bảo tồn nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, phục vụ phát triển du lịch, nâng cao sinh kế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Cuốn sách “Nghề truyền thống ở một số địa phương” giới thiệu về các nghề truyền thống tiêu biểu ở một số địa phương trong nước và phác họa một cách tổng thể về điều kiện tự nhiên, xã hội; nêu những kiến nghị, đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị. Cuốn sách bố cục thành bốn phần, mỗi phần có nội dung theo một hướng nghiên cứu riêng của từng tác giả.
Phần một giới thiệu nghề rèn đúc – chạm khắc bạc của người H’mông Hoa Bắc Hà – Lào Cai của tác giả Trần Hùng, có ba chương. Chương I giới thiệu địa chí vùng Bắc Hà – Lào Cai; lịch sử hình thành của cư dân Bắc Hà; các lễ hội, phong tục tập quán. Chương II nói về nghề rèn và chạm khắc bạc. Chương III nêu những đề xuất, kiến nghị bảo tồn, phát huy nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập.
Phần hai gồm năm chương giới thiệu kỹ thuật rèn – đúc, chế tác nông cụ, đồ dùng gia đình và nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình của tác giả Lường Song Toàn. Chương I mô tả tình hình địa lý – văn hóa – xã hội của người Mông ở hai xã Pà Cò, Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Chương II, nội dung chính viết về nghề rèn và đúc nông cụ truyền thống. Chương III, viết về nghề chế tác đồ dùng trong gia đình của người Mông, như đồ dùng cho cá nhân, đồ dùng trong gia đình, đồ dùng để đun, nấu ăn, đồ dùng khi ăn uống, nông cụ sản xuất nương rẫy, săn bắt chim thú, đồ sử dụng cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề làm giấy dó, công cụ dùng trong vui chơi giải trí. Chương IV, nội dung viết về nghề xe đay dệt vải, vẽ sáp ong trên nền vải thô, thêu hoa văn trên trang phục của phụ nữ Mông. Chương V, giới thiệu nghề chế tác nhạc cụ truyền thống của người Mông. Phần kết thực trạng và giải pháp.
Phần ba giới thiệu công cụ đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An của tác giả Nguyễn Chí Trung. Ngoài lời mở đầu, phần này chia làm hai chương. Chương I, vài nét đặc điểm địa lý tự nhiên và lịch sử dân cư Hội An. Chương II, viết về các công cụ đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An, tập hợp các nhóm công cụ đánh bắt nước ngọt; công cụ đánh bắt ở sông rạch nước lợ; công cụ đánh bắt cá ở môi trường nước mặn; nhóm công cụ cào đâm. Cuối cùng là phần phụ lục ghi lại một số kiêng cữ của ngư dân nghề mành khơi ở Hội An.
Phần bốn giới thiệu một số nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Kiêng Giang của tác giả Nguyễn Quốc Văn, gồm mười chương. Nội dung từ chương I đén chương X được giới thiệu: Thảm thực vật; nghề thắng dầu dừa; nghề chằm lá cần đóp cây dừa nước; nghề bó chổi rang; nghề đương đệm; nghề làm đường thốt nốt; nghề nắn bếp lò; nghề tiện nút chai; nghề bệnh đăng sậy; nghề vận chuyển cá nước ngọt và chiếc ghe rổi./.
Võ Minh Tuấn