Chiến tranh đã đi qua, những người lính trở về cuộc sống đời thường với cơ thể đầy thương tích hoặc không còn lành lặn và không ít gia đình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Với bản chất tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ không cam chịu đói nghèo, họ đã làm nên những kỳ tích phi thường. Họ là những thương, bệnh binh, cựu chiến binh với tâm niệm “thương binh tàn nhưng không phế”, tích cực học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và truyền cho nhau những kinh nghiệm đáng quý trong sản xuất để cùng phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống và góp phần xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới đó là mạnh dạn chuyển đổi, lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế như cựu chiến binh Khoàng Văn Ngó vươn lên làm giàu, trở thành điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” tại địa phương hay thương binh Phạm Quang Tiến, tuy bị thương tật 86%, nhưng ông vẫn vươn lên thành chủ doanh nghiệp tiêu biểu; Đồng thời tạo công ăn việc làm cho các lao động có hoàn cảnh khó khăn, dành nhiều tâm huyết cùng người dân và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động phục vụ lợi ích cộng đồng.
Cuốn sách “Người lính trở về” do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội ấn hành năm 2020 gồm những bài viết: Không gục ngã trước khó khăn; Tỏa sáng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ; Màu áo lính phủ xanh vùng đất quê hương; Người thương binh làm theo lời Bác; Nghĩa tình của một cựu chiến binh; Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng; Người thương binh bắt mảnh đất đầy bom đạn nở hoa; Nghị lực và ý chí của người lính… viết về những người lính không tiếc thân mình, xông pha chiến đấu anh dũng bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Rời quân ngũ trở về đời thường, dù trong hoàn cảnh nào, họ đều bản lĩnh, nghị lực, đoàn kết giúp đỡ đồng đội và đóng góp xây dựng quê hương, Tổ quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lý tưởng cách mạng, về lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Đảng, đất nước và quân đội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Vân Trà