Trong lịch sử nước nhà có nhiều tấm gương hiền nhân. Đó là những con người, ngoài tài năng xuất chúng, tấm lòng nghĩa đảm, có những đóng góp to lớn cho sự cường thịnh của đất nước về các mặt văn hóa, xã hội, mở rộng bờ cõi, đào tạo nhân tài, có một ảnh hưởng lâu dài trong lòng người về lòng trung quân, ái quốc. Đó là những người hết lòng phụng sự tổ quốc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, là tấm gương soi về đạo đức cao đẹp.
Cuốn sách “Những bậc hiền nhân trong lịch sử Việt Nam” do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2019, sách dày 212 trang viết về một số hiền nhân trong các triều đại. Các nội dung nổi bật như: nếu không có tầm nhìn xa rộng của Lưu Khánh Đàm, chắc gì Lý Thái Tổ đã dời đô khỏi Hoa Lư; nếu không có Mạc Đĩnh Chi, tài năng của người Việt chắc gì đã được các nước lân bang nể phục; nếu không có Chu Văn An, làm sao có nhiều học trò trở thành danh sĩ nổi tiếng đến giờ. Tấm lòng trung can, cương trực của Chu Văn An với “Thất trảm sớ” chẳng gợi cho mọi người vì lợi ích quốc gia có thể hi sinh chính bản thân mình mà dạy cho con người rằng đã là bậc chính nhân quân tử thị “uy vũ bất năng khuất”.
Chúng ta có thể tự hào về Nguyễn Bỉnh Khiêm trí tài trùm cả đất trời, ông đã âm thầm giữ nguyên khí quốc gia với những lời khuyên thông thái cho chúa Trịnh, chỉ đường cho Nguyễn Hoàng con đường lập thân, mà nhờ vậy nước Việt dần dần phát triển về phía Nam…
Có thể nói rằng, những hiền nhân đã có đóng góp to lớn cho sự cường thịnh của dân tộc về chủ quyền dân tộc, bảo tồn, phát triển nền văn hóa nước nhà và nêu cao tấm gương đạo đức ngời sáng cho các thế hệ đời sau noi theo.
Vân Trà