NHỮNG BÔNG HOA NƠI NGỤC TÙ CÔN ĐẢO

0
476

   Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu là một địa danh nối tiếng trong nước và quốc tế. Địa danh này được biết đến như một huyền thoại: “đảo địa ngục, đảo căm thù, đảo anh hùng và đảo tự do ” (Nguyễn Văn Linh). Côn Đảo chính là một bảo tàng sống về lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam.

   Năm 1861, thực dân Pháp Tuyên cáo chiếm đóng Côn Đảo. Một năm sau, Toàn quyền Pháp Bonard đã cho lập một nhà tù ở đảo này để đày ải các nghĩa sĩ Nam Bộ đang bị thực dân Pháp cầm tù. Như vậy, Côn Đảo từ năm 1862 đến 1975 đã thực sự trở thành chứng nhân lịch sử 113 năm chống thực dân đế quốc của dân tộc Việt Nam.

   Dưới thời thực dân Pháp, nhà tù Côn Đảo ban đầu chỉ là những lán trại mái tranh vách nứa, sau do số tù ngày càng đông (có lúc lên hơn 4.000 người), với những “phần tử đặc biệt nguy hiểm”, thực dân Pháp cho xây dựng kiên cố hóa nhà tù Côn Đảo. Sau bảy năm, từ 1889 đến 1896, nhà tù Côn Đảo kiểu hiện đại với các “Banh” và “Chuồng Cọp” được đưa vào sử dụng. Hệ thống nhà tù và chế độ lao tù biến nơi đây thành “địa ngục trần gian” đày đọa bao lớp người tù yêu nước; song cũng chính nơi đây là trường học lớn, thử thách tình yêu Tổ quốc và khí tiết những người cách mạng. Trong chín năm chống thực dân Pháp, hơn 2.000 tù nhân kháng chiến đã bị giam giữ tại Côn Đảo. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống, tiếp sức để đồng đội vững bước đi theo con đường đã chọn. Phần lớn họ đã trưởng thành, góp sức cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Truyền thống đấu tranh bất khuất của những người tù chống Pháp đã làm nên “huyền thoại Côn Đảo”. Huyền thoại ấy được viết tiếp bởi máu xương và khí tiết của những người tù cách mạng thời chống Mỹ.

   Dưới thời đế quốc Mỹ, đặc biệt khi Mỹ – ngụy đẩy mạnh chiến tranh, nhà tù Côn Đảo được củng cố và mở rộng, trở thành một trong những nhà tù khủng khiếp nhất trên thế giới. Tù nhân có lúc lên đến gần 10.000 người, trong đó có hơn 4.000 tù chính trị. Nếu trước đây, nhà tù Côn Đảo thời Pháp thuộc chỉ có duy nhất một nữ tù chính trị là chị Võ Thị Sáu thì dưới thời Mỹ – ngụy, số nữ tù chính trị lên đến gần 500 người. Hệ thống nhà tù không những được tăng cường, mở rộng, mà Mỹ còn cử cả các cố vấn nhằm thiết lập một chế độ nhà tù thẳng tay đàn áp người tù bằng nhục hình tra tấn tàn bạo. Chuồng Cọp Pháp với diện tích 1,5 X 2,5m nhốt 1-2 người để cách ly, đến thời Mỹ – ngụy, là 4-5 người, “còng một chân ” hoặc “còng xếp lớp ” để hành hạ người tù đến chết. Bất kỳ một sự chống đối hay đấu tranh nào đều bị tra tấn đến cực điểm nhằm buộc người tù phải khuất phục về chính trị.

   Điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt: cơm hẩm trộn cát,  không rau xanh, nước thiếu; bị tra tấn và hành hạ dã man, lao động khổ sai đến kiệt cùng sức lực,… nhưng những người tù yêu nước, vẫn lớp lớp nối nhau, lớp lớp củng cố truyền thống đấu tranh bất khuất, thà chết không chịu đầu hàng. Tấm gương dũng cảm, bất khuất của các anh, các chị đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc.

   Cuốn sách Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2011 với 430 trang là chân dung 15 nữ tù Côn Đảo trong kháng chiến chống Mỹ; tập trung tái hiện quãng thời gian các mẹ, các chị bị đày đọa nơi “địa ngục trần gian” – nhà tù Côn Đảo; đồng thời khắc họa những nét riêng trong cuộc đời, số phận mỗi người, cũng như những đóng góp sau khi ra tù, với những cương vị xã hội khác nhau.

Ngoài ra sách còn cung cấp một số thông tin thú vị về đời sống tinh thần của người tù, đó là hoạt động văn nghệ trong tù với các bài thơ, ca, hò, vè; các vở kịch và những mẩu chuyện cười khám lao do chính những người nữ tù tự sáng tác, tự biên, tự diễn. Một vài số liệu về tù nhân trong các giai đoạn lịch sử ở nhà tù Côn Đảo và một số “thuật ngữ Côn Đảo” để bạn đọc hiểu hơn về Côn Đảo và các cuộc đấu tranh của người tù cách mạng ở đây.

   Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo của nhiều tác giả còn là lời tri ân đến các mẹ, các chị đã từng bị tù đày tại Côn Đảo, những người đã góp phần viết lên trang sử hào hùng của đất nước chống ngoại xâm, cũng như xây dựng một đất nước hòa bình, phồn vinh và phát triển./.

Vân Trà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây