NHỮNG CÁNH THƯ RA BẮC VÀO NAM (Chuyện về những bức thư của gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh)

0
2183

   “Anh Thao ơi! Cúc dặn nhé: Công việc làm ăn của anh nặng nhọc nhiều, anh cố bồi dưỡng để đủ sức làm ăn lâu dài anh nhé. Cúc chỉ mong anh đừng ốm đau, làm ăn ngày càng phát tài hơn nữa, thu thập ngày càng cao hơn nữa là Cúc và tất cả gia đình mừng thôi” (thư viết tháng 8/1965).

   Trong tất cả 73 bức thư trao đổi, danh xưng Cúc – Thanh thường chỉ sử dụng trong những năm tháng hòa bình. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, bí danh Chính – Tâm là phổ biến, còn thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tên gọi đó là Nam – Lý. Thao là một tên khác trong giai đoạn đi B của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như trong bức thư trích ở trên.

   Trong vô số những kỷ vật Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại, có một tập tài liệu mỏng, giấy đã ngả màu, nhiều trang khó đọc, có trang đã nát bụi thời gian, phải tra bằng kính lúp và dò từng chữ. Những nét chữ khỏe khoắn, cứng cáp, kiểu chữ của những người thế hệ trước đây, chứ không giống chữ học trò ngày nay. Đấy là tập 73 bức thư gia đình viết trong gần 20 năm (1948 – 1967), về cơ bản là thư của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho vợ là bà Nguyễn Thị Cúc (67 thư), bên cạnh ba bức thư ông gửi cho con, hai bức thư bà Cúc gửi ông Thanh, và hai bức thư con gái gửi cho ba mẹ.

   Cuốn sách “Những bức thư ra Bắc vào Nam” của tác giả Vũ Công Lập – Bùi Chí Trung, dày 234 trang, khổ 15x22cm, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành ra mắt độc giả nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 – 6/7/2017), tập tài liệu đã được in lại trọn vẹn. Tuy không phải là toàn bộ những bức thư mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết cho gia đình, nhưng 67 bức thư ông viết trải qua ba đoạn đường chính. 

   Từ năm 1948 đến năm 1953 là hơn 40 bức thư trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những bức thư viết trên đường từ Huế ra Liên khu 4, từ Liên khu 4 ra Việt Bắc, những bức thư viết khi rời Chiến khu Việt Bắc lên đường đi chiến dịch. 

   Trong giai đoạn hòa bình trên miền Bắc 1954 – 1962, có 19 bức thư được viết khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi công tác các tỉnh, tháp tùng Bác Hồ đi dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế, hay về thăm Quảng Bình. Trong giai đoạn này có một năm đặc biệt: Năm 1962, khi bà Nguyễn Thị Cúc bị ốm và phải đi chữa bệnh ở Bắc Kinh. Trong vòng chín tháng, ông Thanh đã gửi cho bà Cúc tới 15 thư, gửi bưu điện, và gửi bất cứ ai có dịp đi công tác qua bên đó. Riêng trong thời gian tháng 8/1962, ông đã viết đến bốn bức thư.

   Trên chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ, từ năm 1963 đến năm 1967, còn lưu lại trong tập tài liệu này tất cả 17 thư. Theo như nội dung các bức thư, thời gian này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận được nhiều thư của các con, nhưng lưu lại trong tài liệu này chỉ còn hai bức, kèm hai bức thư của bà Nguyễn Thị Cúc gửi cho chồng. Cũng trong giai đoạn này, ông Thanh đã có ba bức thư gửi riêng cho các con, cùng với 10 bức thư gửi cho vợ.

Trong tất cả những bức thư của Nguyễn Chí Thanh, không có bức thư nào viết dài. Câu viết ngắn gọn, đơn giản. Trong lá thư cuối cùng vào cuối năm 1965, ông viết, sau khi nhận được một lá thư hiếm hoi từ hậu phương: “mừng quá, vì đã hơn 2 tháng nay chưa nhận được thư mới, và anh đã gởi ra tất cả là 3 lá thơ từ 5 đến tháng 7. Có một lá nữa anh do cầm đi chậm có lẽ còn ít lâu nữa mới đến… Nghe cả 4 con đều mạnh khỏe và học khá ba mừng. Ba mong các con khỏe hơn, học khá hơn, lao động khá hơn và nhất là trau dồi đạo đức cho tốt vì nó là cái gốc của con người…. Nghe bà khỏe, mừng lắm, còn cả Cúc khỏe nữa, anh mừng lắm…”. Một đoạn thư ngắn mà nhắc đi nhắc lại đến bốn chữ “mừng”. Mừng vì nhận được thư, mừng vì con mạnh khỏe và học khá, mừng vì mẹ khỏe và mừng vì vợ khỏe nữa. Đọc thư mà như hình dung ra một nụ cười hạnh phúc nở trên môi người đàn ông xa nhà, trong một lán trại tiền phương, ngày mỗi ngày giữa chiến trường luôn ngóng về hậu phương. Nụ cười có được sau đằng đẵng đợi chờ đầy âu lo. Đây là một trong những bức thư dài nhất, cũng chỉ 327 từ. Ngắn và giản dị, nhưng nội dung thì bề bộn. Mỗi việc, mỗi người chỉ có thể dành ra một câu ngắn. Mỗi năm chỉ có vài thư như vậy, từ tiền tuyến chuyển về hậu phương, như với bao người lính khác trong giai đoạn ấy.

   Bức thư cuối cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết là vào cuối năm 1965. Lúc đầu năm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhận được thư của con gái, những người con đầu của ông. Ông mừng lắm và lập tức viết trả lời, ngày 15/2/1965: “Các con. Ba đã nhận được thư của các con, hay lắm”. Cuối bức thư này, ông viết: “Ba hôn các con và gửi các con cái bút chì làm quà”, còn phía trên, ông dặn: “Ba dặn cu V (Nguyễn Chí Vịnh – BS) phải đối với bạn bè tử tế nhá, lo mà học đấy”. Trong lá thư “Gởi Lý và các con yêu mến” trước đó, ký tên Nam, trong những ngày đầu xa cách tiền tuyến – hậu phương, Ba Nguyễn Chí Thanh đã dặn: “Ba dặn dò các con phải ngoan hơn nữa, phải chịu khó lao động, ra sức học tập. Đối với bạn bè cho thật tốt, thật thà, ngay thẳng, lễ độ, khiêm tốn, người khác sao thì mình vậy”. Tháng 11/1965 là một tháng đặc biệt: trong tháng này ông Thanh viết một lúc ba lá thư gửi về Hà Nội. Bên cạnh lá thư gửi cho bà Cúc là hai lá thư riêng biệt gửi cho hai con gái lớn. Lá thư thứ nhất “Hà yêu mến của Ba”, lá thư thứ hai “Bé yêu mến của Ba”, cả hai lá thư đều cùng một kết thúc như nhau: “Hôn con. Ba yêu mến”.

   Những bức thư được in chung trong cuốn sách là một món quà vô cùng quý giá dành cho các con của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Kim Sơn, Nguyễn Thị Thành và Nguyễn Chí Vịnh. Khi Đại tướng mất, họ còn là những đứa trẻ, lớn lên mà không còn sự che chở, tình cảm của Ba. Rồi họ trưởng thành, xứng đáng với tình yêu và sự nhắn nhủ Đại tướng để lại. Họ đã học, đã lao động và đã trau dồi đạo đức đúng như Đại tướng mong muốn. Những lá thư này là một di sản để lại, dành riêng cho họ, để họ truyền lại mãi mãi cho cháu con sau này.

   Sách được phục vụ tại Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi, số 103 Hùng Vương, Thành phố Quảng Ngãi.

Kim Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây