Từ năm 2014, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Tuy nhiên kể từ năm nay, ngày 21/4 sẽ là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”.
Như vậy, sau 8 năm tổ chức Ngày Sách Việt Nam, đây sẽ năm đầu tiên triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Để làm rõ hơn về sự thay đổi tên gọi này, phóng viên Báo Tổ Quốc đã có buổi phỏng vấn ông Phạm Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
PV: Thưa Vụ trưởng, ông có thể cho biết rõ hơn về việc thay đổi tên gọi Ngày Sách năm nay?
Vụ trưởng Phạm Quốc Hùng: Như chúng ta đã biết, kể từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Việc ra đời Ngày Sách Việt Nam không chỉ khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng mà còn để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, tôn vinh không chỉ người đọc mà cả những người tham gia sáng tác, xuất bản, lưu trữ, quảng bá sách…
Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, theo điều 30 khoản 1 của Luật lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc ở Việt Nam. Đây cũng có thể nói là ngày đặc biệt của những người yêu sách nói chung và của những người đã, đang và sẽ làm công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc nói riêng.
PV: Vậy có những điểm mới hay sự khác biệt nào giữa “Ngày Sách Việt Nam” và “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” thưa ông?
Vụ trưởng Phạm Quốc Hùng: Hai mục tiêu chính được đề ra ngay từ năm 2014 đối với Ngày Sách Việt Nam đó là: Khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Tôn vinh sách và những cá nhân/tổ chức tham gia sáng tác, xuất bản… Như vậy, cơ bản mục tiêu của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không có sự khác biệt so với Ngày Sách Việt Nam. Tuy nhiên, việc thay đổi tên là hình thức khẳng định rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách cũng như hình thành và phát triển thói quen đọc sách với người dân nhằm nâng cao trí tuệ Việt, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.
PV: Vụ trưởng có thể cho biết việc phát triển văn hóa đọc sẽ được triển khai qua các hoạt động như thế nào để có thể cụ thể hóa mục tiêu của ngày 21/4?
Vụ trưởng Phạm Quốc Hùng: Điều 30 Luật Thư viện cũng nêu rõ, việc phát triển văn hóa đọc sẽ được thực hiện thông qua các hoạt động như: Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước; Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông; Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện; Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; Truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; Sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
PV: Xin Vụ trưởng cho biết vị trí, vai trò của Vụ Thư viện trong việc triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam?
Vụ trưởng Phạm Quốc Hùng: Vụ Thư viện là tổ chức thuộc Bộ VHTTDL có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về Thư viện, quản lý các dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện trong cả nước theo quy định của pháp luật. Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Nhiệm vụ này đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL giao Vụ Thư viện là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai. Qua 3 năm thực hiện, một trong những dấu ấn của Đề án đó là Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”. Năm 2019, cuộc thi thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên, năm 2020 thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia.
Bên cạnh đó, Vụ Thư viện đã triển khai nhiều sự kiện tuyên truyền, các cuộc thi nhằm hình thành thói quen đọc sách, trong đó đáng chú ý có thể kể đến như Cuộc thi dành cho người khiếm thị nhân ngày Gia đình Việt Nam với chủ để “Gia đình đọc sách gắn kết yêu thương” và “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Cuộc thi thành công không chỉ bởi thu hút được số lượng lớn người khiếm thị tham gia mà ý nghĩa quan trọng hơn đó giúp những người khiếm thị có động lực vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra còn nhiều chương trình phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức khác đã và đang được thực hiện với mục tiêu đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, lan tỏa tình yêu sách, hình thành và phát triển thói quen đọc sách.
Nhiều đầu sách hay, có giá trị đã đến được với độc giả trong những Ngày Sách Việt Nam những năm qua (ảnh minh họa)
PV: Vụ trưởng có thể cho biết Vụ Thư viện có hoạt động/chương trình gì hướng tới ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay?
Vụ trưởng Phạm Quốc Hùng: Có rất nhiều hoạt động/chương trình đã và đang diễn ra, một trong những chương trình nổi bật được thực hiện trên quy mô toàn quốc do Vụ thư viện tổ chức hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay là Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021. Ngày 5/3 vừa qua, Vụ đã tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc thi đồng thời ra mắt Ban tổ chức.
Đối tượng của cuộc thi hướng tới các em học sinh, sinh viên trên cả nước nhằm khơi dậy, thúc đẩy phong trào đọc, lan tỏa tình yêu đối với sách của thế hệ trẻ. Dự kiến vòng chung kết cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10 với hơn 300 giải thưởng dành cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ngoài ra, Vụ Thư viện cũng mở một kênh trên Youtube có tên “Sách và Trí tuệ Việt” để đa dạng hóa hình thức đọc sách, đồng thời thu hút thêm đối tượng đọc sách trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Vụ thư viện đã có văn bản gửi Sở VHTTDL, Sở VH&TT các tỉnh về việc chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm xây dựng phát triển văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn.
Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!.