Những người trẻ ở đảo Lý Sơn – Kỳ 3: Hai chàng trai homestay ở đảo Bé

0
1233

   Homestay Gió Biển và homestay Lý Sơn Bungalow Hostel đã quá nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch, nhưng rất ít người biết chủ hai homestay ấy là người Lý Sơn, cùng 27 tuổi và tiên phong trong hoạt động lưu trú ở đảo Bé.

Những người trẻ ở đảo Lý Sơn - Kỳ 3: Hai chàng trai homestay ở đảo Bé - Ảnh 1.

Đặng Sâm trở thành ngư dân, nông dân để du khách được tham gia cùng – Ảnh: TRẦN MAI

   Nếu Nguyễn Văn Được khởi đầu phong trào làm homestay cho du khách lưu trú tại đảo Bé thì Đặng Sâm – người duy nhất thông thạo tiếng Anh ở đảo Bé – lại tiên phong đón tiếp du khách nước ngoài đến đảo.

   “Dịch vụ muốn lâu dài phải làm bền vững và giữ được nét văn hóa cộng đồng, người Lý Sơn phải lấy tình nghĩa đối đãi với tất cả mọi người, kể cả du khách.

   Nguyễn Văn Được

   Đột phá đầu tiên

   Homestay Gió Biển hướng mặt về đảo Lớn, mỗi ngày nhìn thấy đoàn tàu siêu tốc đưa hàng nghìn khách du lịch ghé thăm đảo. Ông chủ Được cũng bắt đầu ngày bận rộn của mình. Ra cảng đón khách, chuyển thực phẩm, dẫn du khách đi chơi và chuẩn bị những bữa ăn… 

   Tới với Gió Biển, du khách sẽ cảm nhận như ở nhà, mọi người cùng nhau trò chuyện, đi chơi. “Tôi muốn tạo liên kết giữa mình với du khách. Tôi không muốn có khoảng cách người mua và người bán dịch vụ” – Được chia sẻ.

   Được là người đầu tiên làm homestay và đón khách lưu trú đầu tiên ở đảo Bé. Đó là năm 2017, lúc du khách đến quá đông nhưng không ai ở lại đảo vì không có nơi lưu trú. 

   Được quyết định làm một ngôi nhà bằng gỗ nhỏ xinh bên bờ biển, lập tức du khách đăng ký ở lại đảo qua đêm ngày một nhiều. Khi du khách đông, nhiều cư dân trên đảo học hỏi làm theo. 

   Được hướng dẫn tất cả. Tuy nhiên, khi có đông người làm cùng một lĩnh vực dẫn đến cạnh tranh, chèo kéo khách, những xung đột nảy sinh làm mất tình làng nghĩa xóm. Được thấy điều cốt lõi trăm năm của Lý Sơn là nghĩa tình đang mất dần.

   Không ổn, nên anh quyết định thay đổi nhận thức của người dân, bắt đầu từ cách đón khách của anh. Anh mở một tài khoản Facebook cho homestay của mình và chỉ nhận khách đặt trước, không đón khách vãng lai. 

   Lúc đầu ế ẩm, Được vẫn quyết tâm làm vì một lý do: không tham gia cạnh tranh nảy sinh những mâu thuẫn. “Dịch vụ muốn lâu dài phải làm bền vững và giữ được nét văn hóa cộng đồng, người Lý Sơn phải lấy tình nghĩa đối đãi với tất cả mọi người, kể cả du khách. Tôi quyết định không đón khách vãng lai để giữ điều cốt lõi đó” – Được nói.

   Là người khởi xướng phong trào dịch vụ lưu trú ở đảo Bé, Được bảo rằng phải chịu trách nhiệm cho những đổi thay. 

   Cách làm của anh dần thu hút du khách, họ sẽ đặt trước và khi đến cầu cảng đảo Bé, Được đã có mặt đón. Rồi mọi người thấy giành giật không mang lại hiệu quả như Được. Lúc này, chàng trai trẻ bắt đầu chia sẻ cách đón khách của mình và mọi người lại đón nhận bước đột phá ấy trong cách làm dịch vụ. 

   Bây giờ ai cũng có Facebook cho ngôi nhà bé xinh giữa biển khơi của mình để du khách biết và đặt phòng. Chẳng còn cảnh tranh giành nhau như cách đây một năm.

   Nhờ vậy, dù mới 27 tuổi nhưng Được được bà con tín nhiệm bầu “giữ chức” phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình vì “nó được học đại học đàng hoàng, chữ nghĩa có nên bà con có nhu cầu vay vốn nó làm nhanh lắm. Không tín nhiệm Được thì biết tín nhiệm ai” – cụ Bùi Hoàng (87 tuổi) chia sẻ.

Những người trẻ ở đảo Lý Sơn - Kỳ 3: Hai chàng trai homestay ở đảo Bé - Ảnh 3.

Nguyễn Văn Được, chàng trai đầu tiên mở homestay ở đảo Bé – Ảnh: TRẦN MAI

   “Homestay toàn cầu”

   Đảo Lý Sơn với không gian địa chất núi lửa hiếm có trên thế giới, khung cảnh hoang sơ đang hoàn tất thủ tục trình Unesco công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Hình ảnh của đảo vì vậy không còn bó hẹp ở Việt Nam, mà đã mở rộng ra với cộng đồng du lịch quốc tế. 

   Nhiều du khách nước ngoài ghé thăm đảo, nhưng chẳng mấy ai ở lại đảo dù khung cảnh hoang sơ và đậm nét nguyên thủy luôn khiến họ thích thú. Nguyên nhân chính là vẻ đẹp ấy chỉ dừng lại ở ánh nhìn, du khách quốc tế chẳng tiếp cận được thông tin khi toàn đảo Bé chẳng có lấy một người biết tiếng Anh.

   Nguy cơ du khách nước ngoài đến rồi đi mà chẳng biết nhiều về đảo tạo ra một thách thức lớn. Cả người dân và chính quyền đều biết điều ấy nhưng bế tắc. 

   Đúng lúc ấy, Đặng Sâm đang làm cho một tập đoàn du lịch dịch vụ lớn xin nghỉ việc, quay về đảo mở homestay. Chuyện trở về của Sâm đã giải quyết triệt để bài toán giữ du khách nước ngoài lưu trú dài ngày tại đảo.

   Homestay “Lý Sơn Bungalow Hostel” trở thành nơi du khách quốc tế tìm đến, Sâm với vốn tiếng Anh cực tốt của mình kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên giới thiệu về đảo và người Lý Sơn cho du khách. 

   Sâm chia sẻ: “Tôi quyết định về bởi ông ngoại tôi bảo người nước ngoài đến Lý Sơn nhiều nhưng họ không ở lại. Tôi nghĩ như vậy là không ổn. Tôi làm dịch vụ du lịch khá lâu, thường xuyên đón khách nước ngoài. Nếu họ đến mà bình luận tệ về dịch vụ ở nơi nào đó trên các trang cộng đồng du lịch quốc tế sẽ rất khó để du khách nước ngoài quay lại. Đó là động lực kéo tôi về đảo”.

   Trở về đảo, ngoài ngôi nhà gỗ tuyệt đẹp nơi cực đông của đảo Bé, Sâm còn làm một cây cầu gỗ đưa khách ra rạn đá núi lửa tuyệt đẹp. Đây là điểm đến được du khách thích thú. Tư duy du lịch của Sâm nâng tầm cho dịch vụ du lịch ở đảo Bé. 

   Những hoạt động soi cua ban đêm, tham gia trồng hành tỏi, đánh lưới cá… luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến đảo Bé.

   Sâm bảo du khách đến đảo để cảm nhận độ hoang sơ, “mua oxy”, trở về với cuộc sống hài hòa cùng thiên nhiên. Họ sẽ sẵn sàng chi tiền, nhưng chúng ta phải mang đến cho du khách những gì họ cần. 

   “Không ai cần dịch vụ 5 sao ở đảo Bé cả, mà họ cần tình người, cần tìm hiểu văn hóa và sống trong không gian biển tĩnh lặng. Trong những năm tới, tôi nghĩ người dân toàn đảo sẽ thành thạo những loại hình dịch vụ này. Cùng với đó là những người trẻ giỏi ngoại ngữ sẽ trở về đảo, lúc đó Lý Sơn là hòn đảo du lịch toàn cầu” – Sâm tâm sự.

   Đưa cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp lưu niệm với du khách nước ngoài hồn nhiên thả mình vào sóng nước Lý Sơn và sau chuyến đi là những bình luận tích cực của du khách về đảo trên các trang du lịch quốc tế, Sâm bảo đó là hạnh phúc của anh. “Đã đến lúc Lý Sơn làm dịch vụ bền vững và lựa chọn du khách, thay vì ăn xổi ở thì và phập phồng chờ họ đến” – Sâm nói.

   5 năm qua, đảo Lý Sơn đón nhận một làn sóng những người trẻ từng rời đảo mưu sinh ở các thành phố lớn trở về. Họ mang về đảo kiến thức và nhận thức mới mẻ để góp phần phát triển đảo với sức trẻ của mình…

Kỳ tới: Món quà đảo của Niệm

TRẦN MAI
https://tuoitre.vn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây