Nhìn vào phong tục, tập quán và lễ hội của một dân tộc, chúng ta dễ dàng nhận ra văn hóa và sự phát triển lịch sử văn hóa của dân tộc đó. Ở người Việt cũng vậy, mỗi hành vi, mọi hoạt động của con người sống trong cộng đồng đều chịu sự chi phối sâu sắc có tính truyền thống về văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc Việt.
Người Việt có mặt suốt chiều dài Tổ quốc từ Bắc tới Nam, từ hải đảo xa xôi tới miền rừng hẻo lánh. Đại bộ phận người Việt sinh sổng ở đồng bằng, tập trung ở các vùng châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình, vùng châu thổ sông Cửu Long… Họ lập thành các làng, xóm, ấp, trại, lập ra các huyện, tỉnh, thành phố. Người Việt là một trong chủ thể lớn của đất nước, khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, cùng các dân tộc anh em bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong cuộc sống đan xen và cộng cư với các dân tộc anh em, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Việt đã ảnh hưởng và tác động tích cực tới các dân tộc. Ngược lại, người Việt cũng tiếp nhận nhiều nét văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trong đất nước Việt Nam. Hình ảnh xa nhất chỉ ra có cùng một nguồn gốc tổ tiên là truyền thuyết một trăm trứng nở ra một trăm người con. Các người con chia nhau khai phá trên rừng, dưới biển tạo ra đất nước tươi đẹp. Huyền thoại này có tính tiêu biểu, mang theo nhiều phong tục của người dân canh tác lúa nước với những nghĩ suy, những quan niệm về Đất và Nước. Các dân tộc thiểu số anh em của người Việt cũng có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc mình – tuy có khác tình tiết – đại thể bắt nguồn từ cùng một mẹ hoặc cùng một vật sinh ra, từ nguồn của Đất và Nước.
Đọc cuốn sách “Phong tục tập quán và lễ hội của người Việt” do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2012, sách dày 330 trang giúp bạn đọc sẽ hiểu nhiều hơn về một nền văn hóa có truyền thống lâu đời bền vững được biểu hiện qua phong tục tập quán và lễ hội, từ đó sẽ góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Vân Trà