Dù là Việt Nam hay toàn thế giới thì trong năm đều có những ngày lễ đặc biệt. Ngoài các ngày lễ theo dương lịch, nước ta còn rất nhiều ngày lễ được tổ chức vào dịp âm lịch. Mỗi ngày lễ đều mang ý nghĩa vô cùng to lớn, là thời gian để cho con người ngừng lại những bộn bề của cuộc sống mà cùng nhau nghỉ ngơi, tận hưởng.
Cuốn sách “Tìm hiểu các ngày lễ Tết trong năm” do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2016, sách dày 168 trang giới thiệu đến bạn đọc những ngày lễ trong năm của Việt Nam như: Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống ở nước ta, đánh dấu thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (tính theo Âm lịch); Tết Nguyên tiêu có nhiều tên gọi khác nhau, có thể gọi là Nguyên Tịch, Nguyên dạ hay Tết Thượng nguyên, dân gian còn gọi là rằm tháng Giêng; Tết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, theo quy ước là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày mùng bốn, ngày mùng năm tháng Tư Dương lịch khi kết thúc xuân phân và kết thúc khoảng ngày 20, 21 tháng Tư Dương lịch (khoảng tháng Ba âm lịch).
Ngày 10 tháng Ba chính là ngày giỗ tổ Hùng Vương, được xem là ngày giỗ chung của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là lúc để mọi người có dịp đền ơn đáp nghĩa công lao tạo dựng của tổ tiên. Ngoài ra còn có Tết Đoan ngọ, “Đoan” nghĩa là “mở đầu”, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều và ăn Tết Đoan ngọ là ăn vào buổi trưa. Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Đặc biệt, trong tâm thức người Việt Nam còn có ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ… và một số các ngày lễ lịch sử khác.
Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có thêm được nhiều kiến thức bổ ích và ý nghĩa về phong tục đón Tết của người Việt Nam. Thư viện Tổng hợp tỉnh xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Vân Trà