Lê Quý Đôn tên thật Lê Danh Phương là quan dưới thời Hậu Lê. Ông sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1726), quê tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (1784).
Lê Quý Đôn là con trai cả của ông Lê Trọng Thứ, là tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư, được phong tước Hầu. Mẹ ông là bà Trương Thị Ích (con gái tiến sĩ Trương Minh Lượng). Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn có tên là Danh Phương, đến năm 1743 sau khi đỗ Giải nguyên thì đổi thành Quý Đôn, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường.
Lê Quý Đôn nổi tiếng ham học, thông minh, có trí nhớ tốt, được người đương thời coi là “thần đồng”. Năm lên 5 tuổi, ông đã đọc được nhiều bài trong kinh thi. Năm 12 tuổi, ông đã học “khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử”. Năm Kỷ Mùi (1739), ông theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Năm Quý Hợi (1743) đời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên) lúc 17 tuổi. Năm 26 tuổi (Nhâm Thân, 1752), ông dự thi Hội và đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn.
Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác, Lê Quý Đôn đã để lại cho hậu thế rất nhiều bộ sách có giá trị đủ các thể loại như lịch sử, địa lý, thơ, văn, chú giải kinh điển, triết học, lý số nên người đời sau coi ông như một nhà bác học. Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn như: Đại Việt thông sử còn gọi là Lê triều thông sử (gồm 30 quyển); Phủ biên tạp lục (6 quyển) viết xong năm 1776, ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước; Bắc sử thông lục (4 quyển), viết xong năm 1763; Kiến văn tiểu lục (12 quyển), hoàn thành năm 1777, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Bách khoa thư có tác phẩm: Vân đài loại ngữ (9 quyển). Thơ, văn có các tác phẩm: Toàn Việt thị lục hoàn thành năm 1768, ghi chép chọn lọc khoảng 2.000 bài thơ của 175 tác giả từ thời Lý,Trần đến đời Lê.
Nội dung cuốn sách “Truyện danh nhân Lê Quý Đôn” gồm 10 chương, mỗi chương là những truyện kể về Lê Quý Đôn từ thuở nhỏ đến khi làm quan cho triều đình Lê trung hưng, thứ tự các chương I đến chường X: Vườn quế Diên Hà; 10 năm từ Vĩnh Khánh III đến Cảnh Hưng I; Trở lại phường Bích Câu; Bảng hổ bảng rồng; Ở Viện Hàn lâm; Một chuyến hoàng hoa; Treo ấn từ quan; Từ tờ khải của người bạn vong niên; Vào Thuận Hóa; Những tháng năm bão táp. Phần cuối cuốn sách là mục lục vài nét về niên biểu; những tác phẩm của Lê Quý Đôn và thông tin thư mục sách tham khảo.
Cuốn sách “Truyện danh nhân Lê Quý Đôn” dày 263 trang, khổ 13,5x21cm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2020.
Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu đến quí độc giả./.
Văn Nhân