Ở vùng Truờng Sơn tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và nam – tây nam tỉnh Quảng Nam tiếp liền với vùng bắc Tây Nguyên ngút ngàn rừng núi có một dân tộc bản địa, cư trú lâu đời ở đây. Đó là dân tộc Cor. Tùy theo cách phiên âm hay quan niệm mà người ta có thể viết tộc danh là Co, Kor, Col, hoặc xưa kia, còn gọi là Cua, Trầu, người La Thụ, người Thanh Bồng, người Trà Bồng… Người ta nhận biết về dân tộc Cor không chỉ qua vóc dáng, mà còn qua những nét rất riêng, như cây trồng đặc chủng cây quế, cây trầu…, qua cách ăn mặc, qua lễ hội, qua những lối thức sinh hoạt, những dấu ấn lịch sử như cuộc khởi nghĩa Trà Bồng mùa thu năm 1959.
Cuốn sách Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor tổng thể và những giá trị đặc trưng do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 2019 của tác giả Cao Chư đã ghi lại những khoảnh khắc quý giá trong sinh hoạt thường nhật và trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Cor. Vượt khỏi thông lệ mang tính trang trí, những tấm ảnh thực sự vừa là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, vừa là sự minh chứng cụ thể mà chẳng lời lẽ nào có thể sánh được. Điều ấy cũng có nghĩa những tấm ảnh đã góp một phần quan trọng trong việc đắp đầy thêm nội dung của cuốn sách, mà trước hết nó thực hiện được điều mong ước của tác giả là “nhận diện, trình bày văn hóa Cor một cách đầy đủ, trọn vẹn, chân thực đến mức tối đa” những gì có trong quá khứ cũng như hiện tại.
Sách dày 370 trang có sự kế thừa một cách nghiêm túc trên cơ sở chọn lọc những thành quả nghiên cứu trước đây. Đồng thời, sách còn được bổ sung bằng những tư liệu mới, với phương pháp mới, tạo nên một cách nhìn mới trên con đường nghiên cứu văn hóa cổ truyền tộc người Cor.
Vân Trà