VĂN HÓA DÂN GIAN VỚI VẤ ĐỀ BIỂN ĐẢO

0
800

   Năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa Dân gian với vấn đề biển đảo”. Tham dự với hơn 40 nhà khoa học tham gia. Hội thảo tiếp cận đến nhiều vấn đề về sinh thái, địa lý, lịch sử, văn hóa của biển đảo Quảng Ngãi và trong cả nước.

   Tiếp cận góc độ sinh thái, môi trường tự nhiên, hội thảo đề cập đến tri thức dân gian biển đảo về chế độ thủy trình, đóng thuyền bè, lịch các luồng gió Nam, gió Bất theo mùa trong năm, đến địa hình luồng lạch, các dòng hải lưu, các rạn san hô, các bãi đá ngầm, đặc tính các loài hải sản để cộng đồng cư dân vùng biển đúc kết thành kinh nghiệm tạo ra sinh kế ổn định trong cuộc sống.

   Từ góc độ địa văn hóa, lịch sử, hội thảo quan tâm đến các vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền, thềm lục địa, lãnh hải theo công ước luật biển quốc tế. Hệ thống các địa danh của các quần đảo, đảo, các hòn đảo, các cù lao, mà gắn liền với đó là một thiên truyền thuyết về lai lịch như Đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Phú Quốc… trong đó có một số hòn đảo ghi dấu với chặng đường bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh, cho đến những dấu ấn lịch sử của đội Hoàng Sa – Trường Sa trên biển Đông. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm của cư dân ven biển Bắc Bộ xuống duyên hải miền Trung và Nam bộ cũng là đề tài được quan tâm.

   Từ góc độ nghiên cứu các nhân tố biển đảo trong đời sống văn hóa cộng động cư dân ven biển. Về tín ngưỡng thờ âm hồn gắn với các âm linh tư, nghĩa từ; tục đắp mộ gió cho lính Hoàng Sa; cho đến tín ngưỡng thờ cúng cá Ông – một vị phúc thần của cư dân biển, gắn liền là những nghi lễ, lễ hội như lễ Nghinh Ông, tục thờ Tứ vị thánh nương, tục thờ nữ thần Thiên Y A Na, thờ Thủy Long, Ngũ Hành; về lễ hội có lễ hội đua thuyền tứ linh, hò đưa linh, hát Bả trạo, Bài chòi, Sắc bùa. Về ẩm thực, biển là nguồn cung cấp nguyên liệu chế biến vô vàn các món hải sản đặc trưng của từng vùng miền như nước mắm, các loài cá, mực, rong rêu, tảo biển. Về hệ thống ngôn ngữ chứa đựng cả một kho tàng từ vựng về nghề biển, về tên các loài cá, hải sản địa phương, các loại ốc và ngữ văn dân gian về biển đảo…

   Từ góc độ khai thác kinh tế từ các giá trị văn hóa dân gian gắn liền với biển đảo như du lịch biển đảo, tổ chức các tour du lịch đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm, đảo Phú Quý, Phú Quốc và các tour đi đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các tour gắn liền với các di tích, lễ hội biển đảo như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ Nghinh Ông, lễ hội đua thuyền,…và trong các tour du lịch cũng không thể thiếu các đồ lưu niệm với biển đảo.

   Nội dung cuốn sách “Văn hóa Dân gian với vấn đề biển đảo” được tuyển chọn từ 40 bài viết tiêu biểu của các nhà khoa học có tham luận trình bày trong hội thảo. Trong đó phải kể đến các tác giả giành nhiều thời gian nghiên cứu biển đảo như TS Nguyễn Đăng Vũ, Phan Đình Độ, Trần Thị An, Ngô Văn Ban, Ngô Văn Doanh, Võ Văn Hòa, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Ngô Đức Thịnh, Phan Thị Yến Tuyết, Trần Xuân Toàn…

   Cuốn sách “Văn hóa Dân gian với vấn đề biển đảo” do Nhà xuất bản Dân trí in ấn, phát hành năm 2017, là một công trình nghiên cứu về những vấn đề biển đảo có giá trị tư liệu hết sức quan trọng trong công tác giảng dạy, quản lý./.

Võ Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây