Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, ông cha ta rất chú ý đến vấn đề giao tiếp ứng xử. Các câu danh ngôn được truyền dạy cho thế hệ sau như: “Phải học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều mà mình không muốn thì đừng gán cho người khác), “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Những vẻ đẹp trong ứng xử đã được ông cha ta gìn giữ và phát triển tạo thành truyền thống văn hóa của dân tộc.
Năm 1987, Tổ chức UNESCO đã ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới. Sự thừa nhận rộng rãi của thế giới đối với nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh được xác lập dựa trên một sự nghiệp văn hóa đồ sộ mà Người đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại. Trong khi tổ chức và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, quyền làm người cho dân tộc, đưa đất nước phát triển theo con đường Xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành lại địa vị xứng đáng cho văn hóa Việt Nam trong nền văn hóa thế giới.
Cuốn sách Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2017, sách dày 296 trang thể hiện tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những giá trị định hướng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, với những đặc trưng “Đại chúng – Dân tộc – Hiện đại – Nhân văn”, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Vì vậy, việc nghiên cứu, kế thừa và phát huy những di sản văn hóa Hồ Chí Minh để có nhận thức đúng, từ đó vận dụng vào thực hiện công cuộc đổi mới hiện nay.
Vân Trà